Hoạt động của ngành

Hà Nội: Nâng cấp tuyến du lịch làng nghề Bát Tràng

Cập nhật: 10/03/2022 10:05:01
Số lần đọc: 848
Ngày 9-3, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức chuyến khảo sát du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và hội thảo “Nâng cấp chất lượng tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Làng nghề Bát Tràng”, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Hà Nội, chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch Thủ đô, đón khách quốc tế.


Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức đoàn khảo sát các điểm đến tại Bát Tràng để xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới.

Nhiều lợi thế hấp dẫn du khách

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 12km theo đường bộ, 7km theo đường thủy, nằm tiếp giáp với huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), làng gốm sứ Bát Tràng được xem là một trong những tuyến du lịch trọng tâm của Hà Nội. Gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, xã Bát Tràng còn giữ nhiều nét độc đáo của một làng gốm cổ của Hà Nội. Bên cạnh truyền thống làng nghề, nền văn hóa lâu đời của xã Bát Tràng có những nét đặc trưng như hội làng, các phong tục tập quán, ẩm thực độc đáo. Đó là lợi thế để Bát Tràng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm.

Đoàn khảo sát thăm làng cổ Bát Tràng, nơi còn lưu giữ nhiều kiến trúc độc đáo.

Theo UBND xã Bát Tràng, bên cạnh truyền thống làng nghề, xã Bát Tràng hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là Điểm du lịch của Thủ đô; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, sau khi Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch, số lượng khách đến đây trải nghiệm tăng gấp đôi, có thời điểm tăng gấp 3 so với trước. “UBND xã Bát Tràng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, như: Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh; thực hiện tôn tạo, bảo tồn nhiều di tích, gồm có đình, văn chỉ Bát Tràng; khu lò bầu cổ, nhà nghệ nhân”, ông Phạm Huy Khôi thông tin.

Một trong những nét mới của khu du lịch Bát Tràng là du khách được tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. Đây là công trình mới, có kiến trúc độc đáo, được ví như bảo tàng gốm sứ của Bát Tràng, đang trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách.

Đoàn khảo sát tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất gốm.

Cơ sở gốm của nghệ nhân Tô Thanh Sơn vừa sản xuất gốm vừa truyền dạy nghề cho thanh niên trong làng.

Cần quy hoạch, xây dựng lại sản phẩm

Tại hội thảo “Nâng cấp chất lượng tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Làng nghề Bát Tràng”, các đơn vị đã nhìn nhận, đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch Bát Tràng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế, đặc biệt là trước bối cảnh Việt Nam chuẩn bị mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, điểm yếu của du lịch Bát Tràng là các điểm đến hấp dẫn nằm khá rải rác, thiếu sự kết nối thành tour, tuyến. Ngoài ra, dù đã có tuyến xe buýt đi từ nội thành đến Bát Trang, nhưng để thu hút du khách hơn, Bát Tràng cần có thêm nhiều tuyến xe buýt du lịch chất lượng. Ông Phùng Quang Thắng cho biết thêm, để nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Bát Tràng, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitoursit) sẵn sàng phối hợp với UBND xã Bát Tràng xây dựng thêm các sản phẩm du lịch, dự kiến sẽ được giới thiệu tại Hội chợ du lịch quốc tế - Hà Nội VITM 2022, diễn ra từ ngày 31-3 đến 3-4 tới.

Cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tô Thanh Sơn là một trong những điểm đến tiêu biểu của Bát Tràng để khách tham quan, trải nghiệm.

Đóng góp cho việc nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Bát Tràng, ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho hay, hiện hoạt động vận chuyển khách từ nội thành đến Bát Tràng còn gặp khó khăn do thiếu tính kết nối giữa đơn vị vận chuyển với địa phương. “Nếu địa phương có phương án đón khách, đơn vị sẵn sàng tổ chức thêm tuyến xe buýt du lịch 2 tầng từ nội thành Hà Nội tham quan Bát Tràng”, ông Nguyễn Thủy nói.

Bổ sung thêm các giải pháp phát triển du lịch Bát Tràng thành sản phẩm hấp dẫn của Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, ngoài xây dựng sản phẩm mới, địa phương cần chú trọng tới việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; tổ chức lại giao thông nội vùng; tăng cường kết nối giao thông, du lịch với các địa phương lân cận cũng như cần chủ động liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch có phương án đưa, đón khách nội địa và quốc tế.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, huyện đã có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, trong đó có chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch. Tới đây, địa phương sẽ quan tâm đến việc phối hợp với các đơn vị để trước mắt hình thành sản phẩm du lịch mới, sẵn sàng cho việc đón khách nội địa và quốc tế khi hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn.

Hoàng Lân

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục