Hoạt động của ngành

Bắc Giang từng bước xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng

Cập nhật: 08/03/2022 13:34:38
Số lần đọc: 800
Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trở thành loại hình du lịch mũi nhọn, bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các loại hình du lịch khác nhằm phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022-2030.


Trải nghiệm hái chè tại bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang)

Khai thác lợi thế, phát triển du lịch cộng đồng

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng (DLCĐ). Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những điểm du lịch hấp dẫn như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, đồng thời là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều di sản có giá trị được lưu giữ, bảo tồn. Huyện sở hữu vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với diện tích hơn 28.000ha. Nếu như trước đây, du khách thường đến Lục Ngạn vào mùa vải thiều, thì nay có thể tham quan, vãn cảnh quanh năm.

Huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang) có những cánh rừng nguyên sinh Khe Rỗ, cao nguyên Đồng Cao, thác Ba Tia, Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử đang là điểm đến mới lạ, hấp dẫn du khách. Năm 2020, điểm du lịch Nà Ó (xã An Lạc) được UBND tỉnh công nhận là điểm DLCĐ. Đến đây, ngoài tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối, thác nước, rừng nguyên sinh, du khách được sinh hoạt, giao lưu với người dân, thưởng thức nhiều món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tương tự ở bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), nhiều du khách đến trải nghiệm hái, sao chè, ngắm cây lim ngàn tuổi, khám phá hồ Ngạc Hai, thưởng thức món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan. Xuân Lương được đánh giá có tiềm năng nhất của huyện Yên Thế để phát triển DLCĐ.

Cũng như Nà Ó, điểm DLCĐ bản Ven có rất nhiều đoàn khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan. Hiện nay, tại bản Ven đã có HTX Thân Trường và một số hộ dân đầu tư nhà sàn, tổ chức đón tiếp khách, giới thiệu các sản vật độc đáo của địa phương.

Phát triển DLCĐ Bắc Giang thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan, doanh nghiệp và người dân, bước đầu tạo sức hút đối với du khách song còn chưa tương xứng với tiềm năng. Ở các khu, điểm du lịch như: Khe Rỗ, bản Ven, Suối Mỡ (huyện Lục Nam)... thiếu sản phẩm du lịch đặc thù nên chưa thực sự hấp dẫn du khách. Để du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, DLCĐ phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Người dân địa phương tham gia làm hàng lưu niệm tại bản du lịch cộng đồng

Tạo bệ phóng để phát triển du lịch cộng đồng

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2030 nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương để tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, góp phần thu hút người dân và du khách đến tham quan vui chơi, giải trí, du lịch trải nghiệm.

Mục tiêu Đề án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, thu hút khách du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng thông qua hình thành và phát triển các điểm du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch cộng đồng trở thành loại hình du lịch mũi nhọn, bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các loại hình du lịch khác tại tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, công nhận các khu, điểm du lịch cộng đồng với các sản phẩm du lịch đặc thù. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 02 mô hình du lịch thí điểm tại huyện Lục Ngạn, tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng hiện có. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 2 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 1 triệu lượt người, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, tổng số lao động trực tiếp đạt trên 2.000 người.

Đến năm 2030, tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và Sơn Động; tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng khác, đặc biệt là 20 điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả Lục Ngạn. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 2 triệu lượt người. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm (nếu kiểm soát được COVID-19). Tổng số lao động trực tiếp đạt trên 5.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2030 các điểm du lịch cộng đồng và thăm quan vùng cây n quả có đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế.

Giai đoạn 2022 - 2030, tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với (1) Du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; (2) Du lịch trang trại nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm (Farmstay); (3) Du lịch ẩm thực, mua sắm; (4) Du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp (Wellness Tourism). Quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số trong du lịch (du lịch thông minh).

Nâng cấp tổng thể cơ sở vật chất, các dịch vụ gia tăng kèm theo và kéo dài thời gian lưu trú; thúc đẩy chi tiêu của du khách khi tiêu thụ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại tỉnh. Hình thành các công ty có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Tạo việc làm cho người lao động tại các điểm du lịch cộng đồng, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch. 

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đưa ra 10 nhóm giải pháp đó là: Đồng bộ cơ sở hạ tầng và xây dựng nền tảng điểm du lịch cộng đồng thông minh, xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có khả năng kết nối và có đủ điều kiện để phục vụ nhu cầu của khách du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng; phát triển nhân lực du lịch cộng đồng; xây dựng, phân loại và ưu tiên sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển thị trường du lịch, định hướng thị trường khách hàng; tuyên truyền, xúc tiến - quảng bá du lịch cộng đồng; liên kết sản phẩm - thị trường; xây dựng ứng dụng (App) hướng dẫn khách du lịch đến tham quan du lịch cộng đồng tại tỉnh; các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như nâng cấp hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch cộng đồng; giải pháp về môi trường, cảnh quan, an toàn du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy các tạp chí hàng đầu thế giới bình chọn là điểm đến an toàn, hấp dẫn của Việt Nam.

Nhiệm vụ năm 2022 đến 2025 sẽ xây dựng và vận hành 02 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng hiện có. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nhân lực du lịch cộng đồng. Năm 2025 đến 2030 sẽ hoàn thành việc xây dựng các quy chuẩn, quy chế, điều lệ hoạt động của các khu, điểm du lịch. Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng ra các điểm có đủ điều kiện, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch.

Lan Phương

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục