Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Đưa sản phẩm golf gần hơn với du khách

Cập nhật: 08/03/2022 09:08:58
Số lần đọc: 627
Mở rộng các trải nghiệm liên quan đến sản phẩm golf là hướng đi nhằm thu hút khách trong giai đoạn thích ứng hiện nay.


Du khách trải nghiệm tham quan sân golf

Sản phẩm có tính thích ứng

Theo các doanh nghiệp lữ hành, lâu nay, nhắc đến golf là sản phẩm du lịch thể thao xa xỉ, chỉ phân khúc cho dòng khách có mức chi trả cao. Hiện nay, quan điểm, thị hiếu và xu hướng khai thác khách của doanh nghiệp cũng dần thay đổi. Một phần nhu cầu của khách lựa chọn golf tăng, một phần đơn vị khai thác cũng phải có những điều chỉnh về phương thức, thay đổi dịch vụ, trải nghiệm để thu hút được nhiều khách hàng hơn trước tác động của dịch bệnh, nhất là đối với khách nội địa là dòng khách duy nhất, khi khách quốc tế chưa thể quay lại.

Tham gia tour nghỉ dưỡng kết hợp với “check-in” sân golf tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô do một đơn vị lữ hành trong tỉnh tổ chức, nữ du khách Mai Phương (TP. Huế) chia sẻ, thấy nhiều bạn của mình về sân golf tập chơi, tham quan và chụp hình, chị cũng muốn có một bộ ảnh ở đây để đăng tải lên mạng xã hội nên đã tham gia tour. Đã có nhiều bộ ảnh các điểm du lịch, như di sản, nghỉ dưỡng biển, riêng bộ ảnh mới ở sân golf có những góc hình mới, độc đáo. “Lâu nay, cứ nghĩ vào sân golf sẽ tốn nhiều kinh phí, song với dịch vụ mới chỉ tham quan, chụp hình nên chi phí phù hợp. Tôi nghĩ, sẽ có nhiều khách sử dụng nếu quảng bá tốt hơn”, chị Phương chia sẻ.

Ông Adam Calver, Giám đốc sân golf Laguna cho biết, du lịch thể thao là xu hướng hiện nay. Trong bối cảnh thích ứng mới, xu hướng chơi thể thao kết hợp với nghỉ dưỡng càng được nhiều khách lựa chọn. Riêng đối với thị trường trong tỉnh, golf vẫn còn khá mới mẻ và chưa được nhiều khách biết, do đó, sân golf có sự điều chỉnh dịch vụ linh hoạt, đó là kết hợp với các hãng lữ hành tổ chức tour tham quan. Dòng sản phẩm mới này được đánh giá phần nào giúp resort thích ứng tốt, mở rộng được thị trường khách so với trước.

Theo đại diện sân golf này, việc thay đổi để thích ứng này đang giúp sân golf mỗi ngày thu hút được hơn 200 khách tour tham quan, trải nghiệm một số dịch vụ tại sân golf.

Theo ông Đỗ Ngọc Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Du Lịch Xanh Việt, những chuyển biến của du lịch golf cũng thể hiện được nhu cầu của khách mà lữ hành đang khai thác. Trước đây, khách thiên về chơi golf là chính, yếu tố về du lịch là thứ yếu. Hiện nay xu hướng thay đổi, du lịch chiếm phần lớn hơn, golf là một phần kết hợp trong chuyến đi du lịch. Điều này cũng chuyển dịch dần từ khách tự đặt, nay chuyển hướng sang đặt thông qua lữ hành.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam, Chi nhánh Huế đánh giá, với đặc trưng sân golf ở Huế có tính độc đáo, có sông, núi, biển, cánh đồng… nên tổ chức những tour tham quan, “check-in”, tập chơi golf kết hợp với nghỉ dưỡng khép kín có tính an toàn dịch bệnh cao là bộ sản phẩm được khai thác. Dòng khách được hướng đến trong thời gian tới không chỉ là khách lẻ mà khác đi theo đoàn.

Golf là sản phẩm đang được nhiều dòng khách lựa chọn hơn

Sản phẩm mới cho Huế

Công ty Sports Marketing Survey (Công ty nghiên cứu thị trường dành riêng cho ngành thể thao và du lịch nghỉ dưỡng) mới có khảo sát tiềm năng tăng trưởng của du lịch golf thế giới nói chung và châu Á. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 50% du khách châu Á đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ golf; các chương trình du lịch golf có sức mua gấp từ 6 - 8 lần so với các loại hình du lịch thuần túy. Đa số, kế hoạch kỳ nghỉ golf là chuyến đi trong nước, do những quy định hiện hành hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Đáng chú ý là sự gia tăng số lượng người mới bắt đầu chơi golf ở hầu hết các thị trường được khảo sát. Kết quả này dự báo tiềm năng tăng trưởng của du lịch golf thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, du lịch thể thao gắn với nghỉ dưỡng là xu thế và dòng sản phẩm này càng được khách lựa chọn trong giai đoạn thích ứng như hiện nay. Để mở rộng thị trường, thêm giải pháp phục hồi, mới đây, ba địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam kết nối để đưa khách 3 địa phương đến với nhau sử dụng sản phẩm liên quan đến golf.

“Trước đây, đã có nhiều đoàn khách đến Huế với thời gian lưu trú từ 2 - 4 tuần để chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng. Nên về lâu dài, nhất là khi mở cửa khách quốc tế, sản phẩm golf được đánh giá sẽ giúp Huế tăng khả năng thu hút những dòng khách có khả năng phục hồi sớm như Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngành du lịch Huế đang chủ động kết nối, tạo ra “sân chơi” để các đối tác gặp gỡ, tiến đến hợp tác cho giai đoạn sắp đến”, ông Phúc thông tin.

Để phát triển loại hình du lịch đang dần mang tính “đại chúng” như golf, đòi hỏi khả năng cung ứng dịch vụ phải tốt hơn nữa. Hiện ở Huế chỉ có một sân golf đang hoạt động. Khi thị trường mở rộng, sức mua tăng, nếu không đáp ứng được khả năng, điều này lại tác động ngược. Theo thông tin từ ngành du lịch, hiện sân golf trong Tổ hợp BRG Golden Sands City ở Vinh Thanh, Vinh Xuân với 36 lỗ, tiêu chuẩn quốc tế sẽ đang được thi công. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quy hoạch một số sân golf để bắt kịp với xu hướng. Điều này tạo ra bức tranh cho du lịch golf ở Huế sôi động hơn.

Để phát triển golf cho điểm đến như Huế, theo các chuyên gia, việc phân khúc thị trường dựa trên hiểu biết về thị trường khách cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua. Việc phân khúc tốt thị trường golf sẽ giúp các nhà quản lý đa dạng hóa các sản phẩm golf của điểm đến. Hiện có hai xu hướng khách chuộng các giá trị tăng thêm, giá cả phải chăng và yêu thích phiêu lưu trải nghiệm nên Huế có thể phân khúc tiềm năng, định hướng một điểm đến golf mới với dịch vụ đi kèm đa dạng, giá cả cạnh tranh.

Bài, ảnh: Đức Quang

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục