Hoạt động của ngành

Du lịch Ninh Thuận cần có những sản phẩm khác biệt

Cập nhật: 08/03/2022 08:32:01
Số lần đọc: 709
Tỉnh Ninh Thuận nằm giữa hai điểm đến lớn là Bình Thuận và Khánh Hoà. Để thu hút du khách, Ninh Thuận đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng mới lạ, khác biệt, đặc sắc. Các sản phẩm này phải mang nét đặc trưng riêng của Ninh Thuận và có khả năng cạnh tranh cao.


Sản phẩm đặc thù mang tính cạnh tranh

Trong những năm gần đây, gia đình anh Đặng Thế Vinh ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thường chọn Ninh Thuận làm điểm đến du lịch. Ngoài vùng biển Vĩnh Hy, Ninh Chữ - Bình Sơn, thì Mũi Dinh cũng là điểm mà gia đình anh Vinh chọn để tham quan tại Ninh Thuận.

Anh Vinh cho biết, tại Mũi Dinh, ngoài quang cảnh hùng vĩ của núi non và biển trời, còn có đồi cát trải dài hàng trăm ha và bãi biển thơ mộng. Có mặt tại khu du lịch Tanyoli Mũi Dinh, gia đình anh đều thích thú với trò chơi bắn cung, trượt cỏ, đi xe địa hình trên cát, học cưỡi ngựa, leo núi… và nhất là được trải nghiệm thực tế cuộc sống của người Mông Cổ trong những chiếc lều độc đáo.

Không chỉ thu hút nhóm khách gia đình, các tour tuyến từ TP.HCM, gần 5 năm trở lại đây vùng biển ở thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận còn thu hút nhiều bạn trẻ trong nước và quốc tế về đây để lướt ván diều - môn thể thao mạo hiểm đầy hấp dẫn.

Anh Hàng Huy Sơn - chủ cơ sở lướt ván diều ở thôn Mỹ Hòa cho biết, biển Mỹ Hòa không chỉ hấp dẫn các "ván thủ" chuyên nghiệp, mà còn là nơi thích hợp để người mới tập chơi lướt ván diều: "Đa số khách người nước ngoài đến từ châu Âu, nhưng 2 năm trở lại đây do dịch bệnh nên mình đóng cửa biên giới, không đón được khách nước ngoài. Hai năm trở lại đây chúng tôi chủ yếu đón khách trong nước".

Lướt ván diều ở vùng biển Mỹ Hoà (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Biển Mỹ Hòa là một bãi biển đẹp kết hợp với địa hình độc đáo, chiều dài bờ biển khoảng 5km. Đây là vùng biển có tốc độ gió cao, thời tiết ấm nóng quanh năm nên rất thuận lợi và thu hút đông đảo du khách từ nhiều nước trên thế giới tìm về để trải nghiệm hoạt động lướt ván diều. Ngoài ra, vùng biển này cũng rất thích hợp cho những ai thích trải nghiệm lặn ngắm san hô.

Du lịch biển Ninh Thuận ấn tượng với du khách bởi các sản phẩm như nghỉ dưỡng; trải nghiệm khám phá hệ sinh thái san hô Vĩnh Hy, Hòn Đỏ; lướt ván diều và các hoạt động thể thao trên biển… Ninh Thuận còn phát triển du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình với các sản phẩm chủ đạo như du lịch trải nghiệm mạo hiểm; du lịch cứu hộ động vật hoang dã...

Ông Trần Văn Tiếp – Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, các sản phẩm du lịch này hướng tới nhóm khách trẻ ưa thích mạo hiểm và trải nghiệm những giá trị mới lạ, tập trung tại vùng Đông Bắc tỉnh Ninh Thuận - khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa: "Để tiếp tục phát triển, phát huy, khai thác đầy đủ các tiềm năng về du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Núi Chúa, trước mắt xây dựng và cũng cố lại tổ chức bộ máy, nhất là bộ phận khai thác du lịch. Thứ hai là triển khai tốt vấn đề vệ sinh môi trường để tổ chức các tour tuyến. Thứ ba nữa là sẽ liên kết với các đối tác tiềm năng, có trách nhiệm với môi trường để làm sao phát huy tối đa tiềm năng du lịch sinh thái".

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đang tập trung khai thác di sản văn hóa Chăm để phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng như du lịch lễ hội Katê, du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa làng nghề, du lịch tham quan và tìm hiểu di sản Pô Klông Garai.

Du lịch trải nghiệm ở làng gốm Bàu Trúc (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Đầu tư đồng bộ hạ tầng kích cầu du lịch

Theo nhiều chuyên gia, tiềm năng du lịch ở Ninh Thuận rất lớn, với hệ sinh thái biển đặc trưng, môi trường đặc hữu của Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình, văn hoá Chăm... Thế nhưng ngành du lịch ở Ninh Thuận vẫn chưa phát triển.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải - Giảng viên ngành du lịch (Trường Đại học Văn hoá TP.HCM) cho rằng do Ninh Thuận đầu tư cho du lịch muộn hơn các tỉnh thành khác. Việc đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch chỉ mới thực hiện những năm gần đây. Đã đầu tư chậm, nhưng lại không đồng bộ và bài bản nên chất lượng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Thanh Hải nói: "Ninh Thuận rất đẹp và thu hút du khách, nhưng khi khách ra đó chỉ biết các dịch vụ đơn lẻ, đi đến các điểm tham quan đơn giản. Chúng ta hầu như thiếu dịch vụ để phục vụ các nhu cầu khác của du khách; rồi hệ thống lưu trú cũng thiếu, các nhà hàng, điểm ăn uống và dịch vụ vui chơi giải trí cũng thiếu".

Trải nghiệm cuộc sống người Mông Cổ trong những chiếc lều độc đáo (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Ninh Thuận đã có 22 dự án du lịch trọng điểm, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án trên chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra; phần lớn các dự án chậm tiến độ.

Bà Phạm Thị Thanh Hường – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm. Còn về phía Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng các chương trình quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các ngành, địa phương để tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến cũng như tổ chức các sự kiện, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên app du lịch thông minh để đẩy mạnh thu hút khách du lịch.

Với những sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh cao, cùng tiềm năng sẵn có và các dự án du lịch trọng điểm sớm được đưa vào sử dụng, việc hiện thực hóa mục tiêu du lịch Ninh Thuận đón 3,5 triệu lượt khách trong năm 2025, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng là trong tầm tay./.

Đoàn Sĩ

 

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục