Hà Nội: Phú Nhi xưa và nay
Nghề làm bánh tẻ Phú Nhi được nhiều thế hệ trân trọng, giữ gìn.
Phú Nhi xưa có tên gọi là làng Bần Nhi - cái tên gợi nhớ đến huyền thoại Đức Thánh Tản đánh cá ven sông Tích. Khi vào làng xin muối ướp cá, thấy làng nghèo quá, muối cũng không có, Đức Thánh Tản bèn gọi tên làng là Bần Nhi trang. Cho đến bây giờ hội đền Và (làng Phú Nhi là một thành viên) vẫn giữ tục “trầu không vôi, cá xôi không muối” là vì thế.
Sau này, làng Bần Nhi được đổi tên thành làng Phú Nhi. Phú Nhi là một làng nhỏ, trũng thấp. Trước thời kỳ hợp tác hóa (1960 - 1965), đồng đất làng Mông Phụ đến sát cửa đình và chạy dọc làng Phú Nhi phía quốc lộ 32, phía sau làng là địa giới của làng Phù Sa, Thiều Xuân, phía bắc là sông Hồng với đê Hữu Hồng sừng sững như một đường biên giới cố định đất làng. Không nhiều ruộng đất, dân cư thưa thớt nhưng Phú Nhi có tới 7 ngôi đình, 2 đền và 1 chùa với quy mô lớn.
Tiếng là làng nhưng canh nông không phải là nghề chính của Phú Nhi mà sông Hồng mới là “cửa mở”, mang đến tính đặc thù riêng có của mảnh đất này. Phía giáp với sông Hồng, bên ngoài đê là xóm Đông Hậu. Trước năm 1945, Đông Hậu là một xóm nghề nhộn nhịp với 12 lò của các ông chủ người làng ngày đêm nhả khói. Có lẽ vì thế nên dân quanh vùng gọi là xóm Lò Nồi. Sản phẩm của những lò này chỉ là gốm đỏ bàn xoay và nổi tiếng với nồi đình. Khác với gốm Hương Canh, Phù Lãng, xóm Lò Nồi không sản xuất chum vại. Những sản phẩm dân dụng theo thương lái ngược sông Hồng đi Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang... rồi xuôi về các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong đê, song song với xóm Lò Nồi là xóm Hàng, bắt đầu từ cổng Hàng Dầu (bán dầu hỏa thắp đèn), xuôi theo dòng sông khoảng 1km. Người dân trong xóm chuyên kinh doanh lâm thổ sản. Hàng hóa từ mạn ngược xuôi về là gỗ lạt, song mây, tre nứa, củ nâu... Điều này lý giải vì sao một làng như Phú Nhi tuy không nhiều ruộng đất, dân không đông mà các công trình tâm linh đều lớn, đa phần dựa vào sự đóng góp tự nguyện của dân làng.
Một trong số này là đình Dân. Đình Dân hiện không còn nguyên vẹn, và không biết chính xác được xây dựng năm nào. Hiện chỉ nhìn thấy đình Dân qua ảnh chụp của Hocquard vào năm 1885 (được lưu giữ trong Viện Viễn Đông Bác Cổ). Đình Dân là một hệ thống liên hoàn được xây dựng hai lớp kiểu chữ “nhị”, trong là tiền tế, ngoài là đại bái. Sân trong là hai cột trụ, sân ngoài là hai dãy nhà tả, hữu mạc. Ngoài cùng là cổng đình có kiến trúc hai tầng, 5 cửa ra vào, trên cổng đắp nổi long, ly, quy, phượng cầu kỳ...
Lễ hội đình Phú Nhi vào ngày 12 tháng Giêng rất đặc biệt. Tuy chỉ là lễ rước nước như các cộng đồng dân cư khác ven sông Hồng, song lễ hội làng Phú Nhi có “chân kiệu, chân cờ” không đâu có được.
Sau năm 1954, nghề buôn bán lâm thổ sản không còn. Xóm nghề Lò Nồi chuyển địa điểm và được đưa vào hợp tác xã. Năm 1971, khu vực sản xuất gốm được đưa vào đầu làng, cùng với cuộc di dân xóm Đông Hậu, làm thành khu dân cư Hồng Hậu hôm nay. Vào nơi sản xuất mới được vài năm, các lò gốm “chết” hẳn. Không còn xóm Hàng, xóm Lò Nồi nên nghề buôn bán và sản xuất cũng mất theo. Hàng trăm lao động mất việc làm, lại không có ruộng đất... khiến dân làng Phú Nhi trở nên nghèo khó...
Đó là chuyện của vài chục năm trước. Phú Nhi bây giờ không còn những con đường lầy lội. Đường làng ngõ xóm được thảm bê tông. Làng Phú Nhi nay được chia thành 3 tổ dân phố thuộc phường Phú Thịnh. Các xóm nghề được quy hoạch thành khu sản xuất tập trung với nghề làm bún, bánh chưng, bánh tẻ... Đặc biệt, bánh tẻ Phú Nhi đã trở thành thương hiệu quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận. Năm 2019, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành “Đề án hỗ trợ duy trì và phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025” nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất, chuẩn hóa đầu ra cho sản phẩm, nhận diện thương hiệu, kết nối các tour tuyến du lịch trong khu vực như Làng cổ Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây, Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, đền Và, Thành cổ Sơn Tây...
Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng Phú Nhi phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi tuy đã có thương hiệu nhưng không phải là một làng du lịch. Nếu kết nối với các tour tuyến du lịch trong vùng, Phú Nhi phải tạo được điểm nhấn hoặc đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề... để thu hút khách tham quan.
Hà Nguyên Huyến