Hoạt động của ngành

Hải Phòng - Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử

Cập nhật: 01/03/2019 10:20:56
Số lần đọc: 1367
Hải Phòng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lễ hội độc đáo. Đến thăm Hải Phòng, du khách có dịp trải nghiệm, tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội độc đáo, mang đậm văn hóa miền biển.

Khu di tích Bạch Đằng Giang

Nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) được tạo tác bởi những dãy núi đá vôi, hang động và sông ngòi trùng điệp. Với gần chục công trình, quần thể khu di tích Bạch Đằng Giang nổi bật với các ngôi đền lần lượt gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.   

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc 

Khu tưởng niệm Vương triều Mạc là quần thể công trình được tạo dựng công phu tại xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy). Khu di tích rộng 2,5 ha, gồm nhà chính điện, nơi thờ 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long (1527 - 1592).

Du khách đến thăm khu tưởng niệm được giới thiệu nhiều đồ thờ, cổ vật quý giá trong điện chính, nhất là thanh Định Nam đaohơn 500 năm tuổi, từng được vua Mạc Đăng Dung sử dụng xông pha chiến trận và “bách chiến bách thắng”.  

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trong các di tích lịch sử văn hóa của thành phố Hải Phòng, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có ý nghĩa quan trọng đối với người dân thành phố Cảng, là một quần thể di tích rộng gần 13 ha với 10 điểm tham quan, tọa lạc giữa không gian rộng và thoáng đãng. Quần thể Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ thân phụ, thân mẫu; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm); quảng trường, tượng đài…

Đền Nghè 

Đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, là quần thể di tích mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ 20. Nét đặc sắc của kiến trúc đền Nghè là nghệ thuật trạm khắc trên gỗ, đá với các đề tài: long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai thể hiện kỹ thuật chạm bong hình, chạm nổi, chạm chìm đạt đến trình độ tinh xảo. 

Hằng năm, đến ngày sinh 8 - 2 âm lịch của Nữ tướng Lê Chân, ngày hoá 25 tháng Chạp, ngày khánh hạ 15 - 8, người dân Hải Phòng và du khách nô nức đến dâng hương tưởng niệm vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng, cũng là người khai khẩn, xây dựng “Hải tần phòng thủ”- Hải Phòng ngày nay./.

 

 

Nguồn: baohaiphong.com.vn
Từ khóa: Hải Phòng

Cùng chuyên mục