Hoạt động của ngành

Hưng Hà (Thái Bình): Điểm đến du lịch tâm linh

Cập nhật: 28/02/2019 10:26:09
Số lần đọc: 994
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Hưng Hà luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch địa phương, trong đó tập trung phát triển mạnh du lịch tâm linh.

Lâu nay Hưng Hà được nhiều người biết đến là vùng đất cổ có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng nghề dệt vải Phương La, xã Thái Phương; làng nghề dệt chiếu Hới, xã Tân Lễ; làng nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ Riệc, xã Tân Hòa... Không chỉ có vậy, những năm gần đây Hưng Hà còn phát triển mạnh và thu hút đông đảo du khách thập phương về với các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. 

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện: Hiện nay Hưng Hà có 667 di tích lịch sử văn hóa, trong đó khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là di tích quốc gia đặc biệt, ngoài ra còn có 26 di tích được công nhận là di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Toàn huyện hiện có 175 lễ hội các loại, trong đó 2 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội đền Trần Thái Bình và lễ hội Tiên La.

Được biết, ngoài đền Trần, đền Tiên La được nhiều du khách biết đến, hàng năm Hưng Hà còn thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, du lịch tại các di tích, cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như đền Cổ Trai, xã Hồng Minh. Di tích có kiến trúc độc đáo với các vì mái chạm đấu sen, long chầu, hổ phục, liên quy, phượng vũ, hai tòa cửa võng chạm lõng bong kênh có đủ long - ly - quy - phượng, cuốn thư, đại tự, câu đối sơn son thếp vàng. Trong đền vẫn còn treo những bức trướng bằng gấm, nỉ đỏ có thêu kim tuyến; các kiệu bát cống có đủ 10 rồng.

Cách trung tâm thị trấn Hưng Hà 6km theo hướng đi cầu Triều Dương, du khách sẽ được đến thăm cụm lăng mộ và đình thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, lăng mộ và đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (khu lăng mộ Linh từ Quốc mẫu có diện tích khoảng 400m2, khu đền thờ uy nghi và trang nghiêm). Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng 4 âm lịch địa phương lại mở hội thu hút đông đảo du khách gần xa về dâng hương tưởng nhớ. 

Ngoài ra, du khách còn có thể đến thăm cụm di tích đền thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ và đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại xã Tân Lễ; cụm di tích đình, đền, miếu làng Riệc, xã Tân Hòa; cụm di tích xã Hòa Tiến gồm từ đường Nguyễn Tông Quai và đình, chùa Hú; cụm di tích tại hai xã Đoan Hùng, Tân Tiến thờ Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục... Hay du khách đến xã Độc Lập sẽ được thăm khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn - di tích cấp quốc gia, được xếp hạng năm 1987.

Để phát triển du lịch địa phương, nhất là du lịch tâm linh, thời gian qua, huyện Hưng Hà đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có sự đầu tư ngày càng tích cực, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các hoạt động du lịch tâm linh trên địa bàn. Cùng với chú trọng khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là việc trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ; khôi phục và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa địa phương, huyện còn ban hành đề án về du lịch, đề án, nghị quyết về văn hóa liên quan đến du lịch. Các di tích trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư xây dựng, trùng tu tôn tạo ngày càng khang trang nhưng vẫn bảo đảm yếu tố gốc, đáp ứng nhu cầu tham quan, dâng hương của du khách. Những yếu tố trên chính là điều kiện, tiêu chuẩn quan trọng cho sự phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa và văn hóa tâm linh của địa phương.

Xác định phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương trong thời gian tới là vấn đề huyện Hưng Hà luôn quan tâm, chú trọng. Do vậy, huyện chủ trương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường thực hiện nếp sống văn minh nhằm tạo ấn tượng đẹp với du khách thập phương. Xây dựng cơ chế cụ thể cho việc phát triển du lịch đồng thời kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các di tích trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Tạo điều kiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác du lịch và từng bước thực hiện quy hoạch các khu di tích đã được phê duyệt, tăng cường công tác bảo vệ di sản nhằm phát triển mạnh mẽ du lịch nói chung, du lịch tâm linh nói riêng./.

 

Nguồn: baothaibinh.com.vn
Từ khóa: Thái Bình

Cùng chuyên mục