Hoạt động của ngành

Hấp dẫn ẩm thực vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế)

Cập nhật: 26/10/2023 11:38:24
Số lần đọc: 551
Văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu cư trú từ ngàn đời trên dãy Trường Sơn hùng vĩ là một bộ phận cấu thành bức tranh văn hóa đa sắc màu các dân tộc Việt Nam. Trong đó, ẩm thực là một trong những thành tố văn hóa nổi bật.

Cuốn sách “Cẩm nang ẩm thực - 100 món ăn độc đáo nơi miền cao A Lưới”.  

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị ẩm thực vùng cao A Lưới phục vụ hoạt động du lịch, cũng như truyền dạy cho thế hệ trẻ nơi đây biết nâng niu, trân quý từng món ăn, thức uống của cha ông mình, UBND huyện A Lưới phối hợp với các nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã biên soạn cuốn “Cẩm nang ẩm thực – 100 món ăn độc đáo nơi miền cao A Lưới” và được Nhà xuất bản Thuận Hóa cấp phép ấn hành vào tháng 12/2022. Cuốn “Cẩm nang ẩm thực – 100 món ăn độc đáo nơi miền cao A Lưới” đã công phu mô tả, giới thiệu lần lượt các món ăn truyền thống thường nhật và các món cúng tế trong lễ hội cộng đồng theo hệ nguyên liệu sẵn có như: Cá tôm, ốc/ếch, côn trùng, thịt gia súc, gia cầm/cầm thú, rau quả, ngũ cốc, khoai sắn, các loại bánh và các loại rượu thông qua hình ảnh, tên gọi, cách thức chế biến, các loại gia vị chế biến đi kèm của từng món ăn, thức uống của mỗi tộc người… nhằm giúp người đọc và du khách có thể hình dung đầy đủ hơn về các món ăn, thức uống và công dụng của từng loại.

Cũng như bao tộc người khác, các tộc người thiểu số ở A Lưới sống ở vùng núi cao, được thiên nhiên ban tặng nguồn sản vật phong phú, phục vụ đời sống “tự cung, tự cấp”. Qua năm tháng, đồng bào các dân tộc nơi đây đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và chế biến ra nhiều món ăn ngon đặc trưng, mang tính độc đáo, thích nghi với môi trường sinh sống của mình. Ẩm thực của đồng bào dân tộc nơi vùng cao A Lưới chủ yếu được chế biến từ các nguồn nguyên liệu là các động – thực vật phong phú, sẵn có từ núi rừng, khe suối, được nuôi trồng trên nương rẫy… Bà con đã chế biến nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn, mang đậm hương vị núi rừng hoang dã như: các món cơm nếp/cơm lam, ngô, sắn, rau củ; các món luộc, nướng, thui ống, xông khói, muối, mắn… Đặc biệt đi kèm là các loại rượu – thức uống được cánh đàn ông ưa chuộng và không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật và trong các lễ hội của đồng bào được ủ, chiếc xuất, ngâm từ các loại thân cây, rễ, lá, hoa quả cây rừng… Trong đó còn có nhiều câu chuyện kể về sự tích gạo Radư thương nhớ, các món tà lục tà lạo, cà lèng, bánh aquát…; cách ủ và lên men rượu cần, rượu từ các loại cây rừng như đoát, tà vạt, đùng đình, mía, sắn, bắp ngô, quả sim rừng… khiến người nghe và cả người thưởng thức cảm phục nguồn tri thức bản địa trong cách thức ứng xử với môi trường tự nhiên mang tính cộng đồng nhân văn sâu sắc của các tộc người nơi đây.

Có thể nói, với tính đặc trưng, độc đáo của mình, văn hóa ẩm thực của cộng đồng các tộc người thiểu số ở vùng cao A Lưới ngày càng được giới nghiên cứu văn hóa dân gian quan tâm, cũng như thu hút đông đảo du khách mọi miền về đây thưởng thức và trải nghiệm.

Minh Thư

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Ngày đăng 26/10/2023

Cùng chuyên mục