Hấp dẫn gỏi hải sản Cô Tô
Vùng biển Cô Tô nhiều loại tôm, cá. Du khách mỗi lần đến Cô Tô đều ấn tượng về các món hải sản tươi sống. Có nhiều người thích ăn các món gỏi, để thưởng thức hải sản chưa qua nấu nướng, để có cảm giác thú vị tươi sống của hải sản thế nào.
Cá được chọn làm gỏi ở Nhà hàng Sao Biển (Cô Tô) thường là cá song chấm và được đánh bắt trong tự nhiên.
Món gỏi cá song được nhiều người thích thưởng thức mỗi khi vào nhà hàng ở Cô Tô. Để tìm hiểu món gỏi này, tôi được chị cán bộ huyện Cô Tô giới thiệu đến Nhà hàng Sao Biển, nằm ở khu 4, thị trấn Cô Tô. Chủ Nhà hàng Sao Biển, anh Nguyễn Viết Tuấn là thanh niên trẻ khoảng hơn 30 tuổi.
Theo anh Tuấn, nhiều du khách rất thích ăn gỏi cá song có thể do họ đã từng ăn, hoặc đã theo sự giới thiệu của bạn bè nên đam mê món ẩm thực này. Cá làm gỏi thường là cá song chấm đang bơi, vì loài cá này béo, thịt trắng, ăn đậm dai ngọt thanh. Loài cá này cũng có nhiều ở biển Cô Tô, cá làm gỏi phải là cá do ngư dân câu được từ hơn 1kg trở lên đến 3kg, chứ không dùng cá song nuôi vì loài này ăn tanh, thịt bở.
Cá song là loài cá khỏe nên thịt chắc, khi đã bắt lên bờ kể cả không có nước, chúng vẫn sống được hàng giờ chứ không giống như nhiều loài lên bờ không có nước một lúc là chết luôn, vì thế cá song rất dễ giữ tươi. Cá song thường kiếm ăn riêng lẻ ở các bãi đá ngầm, rạn san hô, chúng săn các loài cá nhỏ để làm thức ăn, vì đặc tính săn mồi nên cá song cũng khỏe hơn các loài bình thường. Cũng vì thế mà thợ bắt cá song thường phải câu, chứ không dùng lưới vì lưới dễ mắc vào san hô rách lưới. Các tay săn cá đánh mìn (nếu có) cũng không tìm cá song, vì chúng đi riêng lẻ không bõ ném quả mìn, mà họ thường tìm đến các loài cá đi thành đàn lớn.
Khi có khách, anh Tuấn làm cá, rửa sạch để ráo nước, rồi dùng con dao mỏng khéo léo tách phần thịt nạc nhất của con cá rồi thái lát mỏng, lọc tới đâu lấy chanh sát kỹ đến đó cho sạch máu và khử khuẩn. Những lát cá song sau đó được ướp với sả, lá chanh, giềng thái chỉ để khử hết mùi tanh từ cá và rắc thêm ít thính giã nhỏ để món gỏi dậy mùi.
Món gỏi cá được ngon cũng cần phải có nước chấm ngon, gỏi cá ăn kèm với rau thơm xì dầu, hoặc mù tạc thấy món ăn càng có phần ngon hơn.
Gỏi sứa Cô Tô, một món ăn thông dụng gần như nhà hàng nào ở Cô Tô cũng có.
Cô Tô còn có nhiều loại gỏi khác, thông dụng nhất còn phải kể đến gỏi sứa (còn gọi là nộm sứa) vì sứa nhiều, hàng năm ngư dân đánh bắt đến hàng trăm tấn. Sứa sống trong tự nhiên, chúng xuất hiện theo mùa và tự chết đi trong môi trường tự nhiên khi hết mùa. Thực khách thưởng thức gỏi sứa thì không phải đắn đo sứa nuôi hay tự nhiên, vì hiện tại chưa có cơ sở nào nuôi sứa. Sứa được bắt chỉ lấy phần đầu làm gỏi vì ăn giòn hơn, còn phần thân sứa để chế biến các món khác. Sứa sau khi đã sơ chế qua tại xưởng sứa, đem về nhà hàng chần qua nước sôi, trộn với các loại rau, thịt động vật và rau câu, đu đủ xanh, hoặc cà rốt, ngó sen, hoa chuối với món nước chấm pha ngon thì thật tuyệt. Gỏi sứa thì hầu như nhà hàng nào ở Cô Tô cũng có.
Cô Tô còn có món gỏi nhệch, đây là loài cá cùng họ với lươn một món ăn rất khoái khẩu của phái mạnh. Nhệch thường sống trong lỗ ở các bãi bùn, người bắt nhệch phải câu hoặc móc lỗ, do vậy nhệch cũng dễ giữ được tươi. Gỏi nhệch được ăn kèm với bánh đa vừng hoặc cơm cháy cùng với một số loại rau thơm như: cúc tần, diếp cá, mùi tàu, xương xông, sung, rau húng… cuốn cùng ăn đậm đà lại bùi bùi, cay cay, nồng nồng.. lại thêm bánh đa giòn tan thật thú vị.
Các loài hải sản khác như ốc móng tay, mực, tôm… cũng đều làm được món gỏi, mỗi thứ đều có hương vị riêng, tạo ấn tượng với du khách mỗi khi đặt chân đến Cô Tô.
Anh Vũ
Nguồn: Quảng Ninh Portal