Non nước Việt Nam

Thưởng thức đặc sản xứ Tuyên

Cập nhật: 08/05/2021 09:33:00
Số lần đọc: 826
Bánh gai Chiêm Hóa; Bánh trứng kiến; Cam sành Hàm Yên; Chè; Rượu ngô Na Hang; Cá mắm ruộng là những đặc sản xứ Tuyên.
Bánh gai Chiêm Hóa
 
Để có chiếc bánh gai thơm ngon, người ta chọn gạo nếp cái hoa vàng, ngâm qua đêm rồi xay thành bột. Lá gai sau khi phơi khô sẽ được tước bỏ gân, luộc, xay nhuyễn rồi trộn với bột và mật mía để làm vỏ bánh. Phần nhân bánh gồm đỗ xanh, hạt bí, dừa tươi, hạt sen và mỡ lợn được gói khéo léo trong lớp vỏ bánh, ngoài cùng là lớp lá chuối khô. Khi thưởng thức, hương vị của lá gai quyện với mùi thơm của bánh tạo nên hương vị đặc trưng khiến du khách nhớ mãi.
 

Bánh Trứng kiến
 
Bánh trứng kiến
 
Đến Tuyên Quang, du khách nhất định phải thử bánh trứng kiến - đặc sản của dân tộc Tày. Phần nhân bánh được làm từ trứng kiến non, thịt băm, hành, thìa là, lạc rang giã nhỏ. Vỏ bánh được làm bằng bột xay từ gạo nếp nương, bọc bên ngoài là lá vả non. Sau khi hấp cách thủy từ 45 - 50 phút, bánh chín là du khách có thể thưởng thức.
 
Cam sành Hàm Yên
 
Cam sành Hàm Yên được trồng chủ yếu ở vùng chân đồi - nơi có nguồn nước thiên nhiên và hàm lượng khoáng trong đất cao, cho giá trị dinh dưỡng và vitamin lớn. Cam sành Hàm Yên có vị ngọt mát, hình thức bắt mắt nên được nhiều du khách chọn mua làm quà cho người thân.
 
Chè
 
Tuyên Quang có diện tích trồng và sản lượng chè lớn do nơi đây có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi. Mỗi vùng đất nơi đây lại cho một loại chè có hương vị khác nhau, tạo nên thương hiệu riêng của từng vùng như trà xanh Phú Lâm (xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn), trà shan tuyết (xã Hồng Thái, huyện Na Hang), trà Pà Thẻn (xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa)...
 
Rượu ngô Na Hang
 
Rượu ngô Na Hang được chế biến theo công thức độc đáo từ nguyên liệu chính là ngô và men ủ từ hơn 20 loại thảo dược quý hiếm và chưng cất theo công thức cổ truyền. Ngoài ra, rượu Na Hang còn có công dụng chữa lành vết thương và các bệnh xương khớp...
 
Cá mắm ruộng
 
Cá mắm ruộng được làm từ cá chép nuôi ở ruộng. Để chế biến món này, người ta có cách ủ khá độc đáo: Sau khi đồ gạo nếp thành xôi, để nguội, người ta trộn đều với men rượu và ủ kín. Xôi nếp lên men thơm sẽ được trộn với cá, riềng, lá trầu không, lá cơm đỏ, muối... rồi cho vào hũ, thêm nước và đậy kín vài tháng. Mắm cá ruộng không chỉ được dùng để chấm thịt luộc, rau luộc, rau sống... mà còn có công dụng giải độc, giải rượu hiệu quả.
Nguồn: hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT