Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Khởi sắc du lịch đầu năm

Cập nhật: 23/02/2022 05:26:57
Số lần đọc: 642
Ngành du lịch tỉnh cũng như cả nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Có những thời điểm, để phòng, chống dịch bệnh, các tuyến, điểm du lịch phải đóng cửa, người lao động mất việc làm, đơn vị, doanh nghiệp lao đao. Kể từ khi áp dụng chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, lĩnh vực du lịch dần hồi sinh, có tín hiệu tốt trong dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, dự báo cho một năm khởi sắc của ngành du lịch Hòa Bình.  

 

Du khách đến bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) dịp đầu xuân chấp hành việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19.

Du xuân đầu năm, dễ nhận thấy các điểm du lịch trong tỉnh khá nhộn nhịp, từ các điểm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, đến các resort, sân golf... Huyện Mai Châu luôn là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn. Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và cuối tuần, bản Lác, Pom Coọng... nhộn nhịp khách. Điểm du lịch Avana Retreat tại xã Bao La (Mai Châu) là khu nghỉ dưỡng cao cấp cách thị trấn Mai Châu 30 km nhưng đã kín 41 phòng từ ngày mùng 1 - 5 Tết. Anh Nguyễn Hồng Đức, Trưởng bộ phận tiền sảnh Avana cho biết: Sau kỳ nghỉ Tết, lượng khách đặt phòng vẫn duy trì khoảng 50% với giá 5 - 30 triệu đồng/phòng/ngày đêm. Khách chủ yếu là các gia đình từ TP Hà Nội đi nghỉ dưỡng theo từng nhóm nhỏ. Sau Tết, các đường bay mở cửa, đơn vị đã đón được khách từ TP Hồ Chí Minh, trong tương lai hứa hẹn sẽ đón được nhiều khách nước ngoài.

Du lịch huyện Cao Phong cũng đã có những tín hiệu khởi sắc sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong từ dịp Tết Nguyên đán đã đón trên 4.300 khách. Lượng khách qua cảng du lịch Thung Nai tăng 30% so với dịp đầu năm 2021… Các điểm du lịch tâm linh đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), chùa Tiên (Lạc Thủy) cũng ghi nhận lượng khách tăng.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỉnh đã thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Trong 9 ngày nghỉ Tết có trên 102.000 lượt khách đến tỉnh, trong đó hơn 800 khách quốc tế là những người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Lượng khách tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng, tăng 70%. Đây là tín hiệu tốt cho thấy du lịch Hòa Bình đang thích ứng linh hoạt, từng bước tiến tới cùng cả nước mở cửa hoàn toàn, phục hồi ngành du lịch. Qua đó, góp phần phát triển KT-XH và dự báo cho một năm khởi sắc của ngành du lịch tỉnh sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Dự báo trong quý I/2022, du lịch tỉnh tiếp tục tăng trưởng.

Hiện nay, những nơi thu hút đông khách du lịch tại tỉnh là khu du lịch hồ Hòa Bình với điểm di tích văn hóa tâm linh nổi tiếng đền Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ; quần thể hang động núi Đầu Rồng, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong); quần thể hang động khu du lịch chùa Tiên (Lạc Thủy); khu du lịch Mai Châu. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Serena Resort (Kim Bôi); Mai Châu Ecolodge, Avana Retreat, Ba Khan Village Resort, Mai Châu Hideaway resort (Mai Châu), Hasu Village Resort (TP Hòa Bình)... luôn là điểm đến yêu thích của du khách có mức chi tiêu cao, với tỷ lệ đặt phòng 80 - 100% công suất. Các khu, điểm du lịch đều quan tâm thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn, phun khử trùng và tuyên truyền, nhắc nhở du khách chấp hành quy định.

Theo Sở VHTTDL, từ cuối tháng 9/2021, Hòa Bình là một trong những địa phương ở miền Bắc mở cửa trở lại phục vụ khách du lịch sớm nhất. Sau 4 tháng ngừng hoạt động, tỉnh đã có sự chuẩn bị, thích ứng linh hoạt với diễn biến tình hình dịch Covid-19 để tổ chức các hoạt động du lịch. Đồng thời, sẵn sàng đón khách quốc tế khi Chính phủ cho phép. Tết Nguyên đán là dịp để tái khởi động các hoạt động nhằm tạo đà phát triển cho ngành du lịch sau 2 năm khó khăn vì dịch bệnh.

Để "lấy đà” cho một năm hứa hẹn khởi sắc, ngành du lịch tỉnh đã rà soát lại các cơ sở lưu trú, yêu cầu đảm bảo chất lượng, đáp ứng công tác phòng, chống dịch, an toàn cho du khách và người lao động. Các cơ sở du lịch phải xây dựng kịch bản, hướng giải quyết khi xuất hiện F0 và có biện pháp phối hợp cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đón khách. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không tăng giá, ép giá khách. Đối với các gói dịch vụ đã công bố trong chương trình kích cầu phải duy trì chất lượng như cam kết.

Nhằm từng bước phục hồi hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, năm 2022, ngành du lịch tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh xây dựng, cung ứng sản phẩm mới. Các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch Covid-19, chủ động phương án phòng, chống dịch để đón tiếp, phục vụ khách chu đáo.

Cẩm Lệ

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục