Hòa Bình: Trở lại bản du lịch cộng đồng mùa lúa chín
Bản Mường yên ả trong nắng thu bình yên như không thể bình yên hơn. Một khung cảnh thiên nhiên an lành, là cây là trái, là nếp nhà sàn, là núi đồi mênh mang hùng vĩ xanh thẳm, là tiếng chim hót trong lành, suối chảy róc rách ngày đêm không ngơi nghỉ. Cuộc sống dân bản đầm ấm lặng lẽ trong tình người chân thật. Sau thời gian căng thẳng giãn cách vì dịch Covid-19 đã có những đoàn khách ghé thăm, khám phá phong cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa, tìm hiểu nét sinh hoạt, cuộc sống của người dân bản Mường Giang Mỗ.
Xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) với những ngôi nhà sàn truyền thống, cảnh đẹp hoang sơ tạo sức hút với du khách.
Có đến thăm xóm Mỗ mới cảm nhận nơi đây là chốn bình yên không tả. Bản nằm cách trung tâm TP Hòa Bình 12 km với trên 100 nóc nhà sàn của người Mường còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Mường từ hình dáng nhà cửa đến nếp sinh hoạt, ăn ở hàng ngày. Tất cả đều hiền lành, nhẹ nhàng, thư thái. Bản Mường Giang Mỗ nằm dưới chân núi Mỗ, gọn trong thung lũng nhỏ, xung quang là suối chảy róc rách, bản nằm trên lưng chừng đồi, phía trước và phía sau là những thửa ruộng bậc thang là màu vàng ươm của lúa, màu xanh của hoa màu, cây cỏ, nương đồi, người dân miệt mài vun xới. Từ rất lâu, xóm Mỗ đã là địa điểm thu hút du khách nước ngoài, học sinh, sinh viên đến trải nghiệm để thưởng ngoạn không khí trong lành, ngắm con suối róc rách chảy qua, chim hót líu lo xua tan những mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống đời thường.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị My, là một trong những hộ làm du lịch đầu tiên ở bản. Ngôi nhà gần như còn giữ được nguyên bản với các vật dụng của người Mường. Giới thiệu cuộc sống sinh hoạt, cách ăn, cách ở của người dân bản, bà My chia sẻ: Đến bản, khách có thể ghé thăm bất cứ nhà sàn nào mà mình thích. Cuộc sống của bà con gắn với nghề trồng lúa, trồng rừng và chăn nuôi. Trên những căn nhà sàn truyền thống, người dân vẫn còn lưu giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất từ xa xưa được làm từ gỗ, tre, nứa như: Khung dệt vải, cung tên, dụng cụ làm nương rẫy… Phụ nữ Mường tại đây còn rất giỏi đan lát, dệt vải, làm gối, đệm bông lau, nên họ thường tự tay làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống như mây tre đan và thổ cẩm để giới thiệu cho khách du lịch.
Từ lâu, theo thói quen, du khách thường gọi là bản Giang Mỗ nhưng chính thức đây là 2 xóm Mỗ 2 và xóm Giang, sau sáp nhập là xóm Mỗ. Ngay từ đầu bản, phóng tầm mắt bao quát, du khách đã thấy được những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện lưng chừng núi, bên dưới là những thửa ruộng bậc thang tầng lớp tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên hài hoà. Đặc biệt, dù đi trên đường hay ghé thăm bất cứ vào ngôi nhà sàn nào trong bản, du khách cũng được người dân nơi đây chào đón bằng tình cảm nồng hậu và có thể tìm hiểu văn hóa Mường qua câu chuyện với chủ nhà. Nếu dừng chân nghỉ qua đêm, du khách còn được chủ nhà mời uống đặc sản rượu chuối, rượu cần và thưởng thức các món ăn dân tộc như xôi nếp nương, cá đồ, thịt lợn bày cỗ lá. Nếu có nhu cầu, đội văn nghệ của bản sẽ biểu diễn những bài hát, điệu múa đặc sắc của dân tộc Mường như xéc bùa, múa quạt, hát mời trầu trong tiếng trống, chiêng, sáo ôi... Qua đó cảm nhận được cách ứng xử mang đậm nét văn hóa và phong tục tập quán đặc sắc của người Mường nơi đây.
Chị Bùi Yến Minh, cán bộ phụ trách lĩnh vực du lịch, Phòng VH-TT huyện Cao Phong khẳng định: Du lịch cộng đồng xóm Mỗ thu hút du khách chính từ việc gắn với bảo tồn các giá trị đặc sắc của văn hoá Mường truyền thống. Với khung cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo còn lưu giữ, bản đã và đang là điểm đến du khách không thể bỏ qua trong chuỗi hành trình khám phá, trải nghiệm khu du lịch vùng hồ Hòa Bình.
Linh Trang