Non nước Việt Nam

Phú Yên: Lãng mạn Bãi Môn

Cập nhật: 29/09/2021 10:19:05
Số lần đọc: 955
Tôi được sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất có nắng có gió và có những dải màu tươi tốt, với bãi biển trong xanh đẹp mắt, với bờ bãi cát phẳng lặng như tờ, với gờ kè đậm màu thời gian, với dung nhan địa danh nổi tiếng và nơi đã đến, đã ở thì không bao giờ muốn rời đi, một miền đất của sự ly kỳ không thể nào quên được – Phú Yên


Hôm nay tôi muốn mời các bạn khám phá miền quê đầy nắng gió với những dòng nước trong xanh, bãi biển bao la, những ghềnh đá kì thú. nơi đây có vô số những cảnh đẹp nổi tiếng quyến rũ bất kỳ ai đặt chân đến nơi đây. Ai đã từng tới nơi này thì không thể bỏ qua một ghềnh Đá Đĩa - một tuyệt tác kỳ thú có một không hai mà thiên nhiên đã ban tặng - vừa hoang sơ vừa hùng vĩ, một Vịnh Xuân Đài  mộng mơ lãng mạn, một hồn thơ Tháp Nhạn, một chiến tích lịch sử oai hùng Vịnh Vũng Rô…. đặc biệt khi bạn thực sự xa rời cái nắng khô khan của thành phố , bước chân từ xe xuống trước mặt bạn là làn nước trong xanh quyến rũ, cơn gió biển ập tới mát rượi và ngọn Hải đăng sừng sững trước mặt khiến bạn quên hết mệt mỏi – một khung cảnh thiên nhiên lãng mạn đẹp như tranh vẽ - Bãi Môn Mũi Điện.

Thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Vị trí này có tọa độ địa lý 12053'08'' vĩ độ Bắc và 109027'02'' kinh độ Đông, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km.

Mũi Điện là phần cuối cùng của dãy núi Đại Lãnh, đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm thẳng ra biển. Mũi đất này là một trong các vị trí địa lý  trên đất liền của nước ta nhô ra xa nhất về phía biển.

Ngoài tên gọi Mũi Điện nó còn có tên gọi khác là Mũi Đại Lãnh hay trên bản đồ hàng hải quốc tế vị trí này còn được gọi là Cap Varenla  (Mũi Varenla), tên gọi này đã xuất hiện trên bản đồ hàng hải từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Đến năm 1890, người Pháp đã cho xây dựng tại Mũi Đại Lãnh một ngọn hải đăng để dẫn đường cho tàu bè qua lại trên vùng biển này. Từ đó, mũi Đại Lãnh còn được mang tên là Mũi Điện (mũi đất có ngọn đèn điện.

Hải đăng Mũi Đại Lãnh đảm nhận vai trò hướng dẫn cho tàu thuyền qua lại trên biển Đông. Trong khoảng thời gian từ 1945 đến năm 1960 do chiến tranh ác liệt nên hải đăng mũi Đại Lãnh tạm ngừng hoạt động. Năm 1961, ngọn hải đăng được khôi phục và hoạt động trở lại nhưng đến năm 1965 lại bị bom đạn phá hủy hoàn toàn. Năm 1995, hải đăng mũi Đại Lãnh được khởi công xây dựng mới trên vị trí cũ và đến năm 1997 chính thức đi vào hoạt động. Hải đăng mũi Đại Lãnh hiện nay cao 26 mét, nếu tính từ mặt nước biển lên đến ngọn đèn thì độ cao là 110 mét, tầm nhìn của hải đăng tính từ ngoài biển vào đất liền là 27 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng là 24 hải lý, các trang thiết bị hiện đại đảm bảo chiếu sáng liên tục để dẫn đường cho tàu thuyền qua lại trên tuyến hàng hải. Hải đăng mũi Đại Lãnh là một trong 79 ngọn hải đăng trên cả nước, là một trong 45 ngọn hải đăng cấp 1 của quốc gia và cũng là một trong 8 ngọn hải đăng trên 100 năm tuổi ở Việt Nam.

Liền kề phía Bắc chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là bãi biển nằm lọt sâu giữa hai mũi đất, đó là Mũi Nạy ở phía Bắc và Mũi Đại Lãnh ở phía Nam. Bãi Môn trải dài khoảng 100m có vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ với cát trắng mịn màng, độ dốc đáy thoải dần ra xa. Phía Nam Bãi Môn có suối nước ngọt bắt nguồn từ rừng Đèo Cả, len lỏi qua nhiều vách đá và tán cây rừng rợp mát rồi đổ ra biển. Với các đặc điểm địa hình thuận lợi như vậy, Bãi Môn hội đủ các yếu tố để trở thành một bãi tắm biển lý tưởng.

Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh là một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Mũi đất này như mũi một con tàu đang rẽ sóng ra khơi với trước mặt là biển cả mênh mông, sau lưng là núi non trùng điệp. Đến đây, du khách có thể lần theo triền dốc đi lên mũi Đại Lãnh để tham quan ngọn hải đăng đã có trên trăm tuổi. Ngắm ánh bình minh  nhô dần lên từ phía biển để cảm nhận sự kỳ vĩ của thiên nhiên hoặc hòa mình trong làn nước trong xanh ở Bãi Môn, thưởng thức đặc sản của biển.

Thắng cảnh Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh còn nằm cận kề 2 di tích lịch sử cấp quốc gia khác của Phú Yên là thắng cảnh núi Đá Bia và di tích lịch sử Tàu Không Số Vũng Rô. Đây cũng là điều kiện thuận lợi đề du khách có dịp tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất Phú Yên tươi đẹp và mến khách - quê hương tôi đó.

Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Thắng cảnh Quốc gia năm 2008.

Ban Quản lý di tích tỉnh Phú Yên

Nguồn: Sở VHTTDL Phú Yên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT