Non nước Việt Nam

Bạc Liêu: ''Thủ phủ'' nghề làm muối Việt Nam

Cập nhật: 27/09/2021 07:20:29
Số lần đọc: 1052
Nghề làm muối ở Bạc Liêu hình thành và phát triển cách đây hơn 1 thế kỷ. Nhờ đường bờ biển kéo dài hàng chục ki lô mét, tại đây đã hình thành những ruộng muối trải dài từ đoạn giáp với biển Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đến cửa biển Gành Hào và tập trung nhiều nhất ở 2 xã Long Điền Đông, Long Điền Tây (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). 


Từ những năm đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam và là tỉnh có sản lượng muối lớn nhất, thường xuyên cung cấp cho Nam Kỳ lục tỉnh cùng các nước Đông Dương.

Nghề làm muối đòi hỏi các diêm dân sự cần cù, chịu khó cùng những tri thức, kinh nghiệm sản xuất gắn với thiên nhiên. Mùa làm muối ở Bạc Liêu thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Để sản xuất ra những mẻ muối chất lượng, diêm dân phải lu phẳng mặt ruộng rồi dẫn nước biển vào. Sau 12 - 18 ngày phơi dưới ánh nắng gay gắt, nước biển sẽ bốc hơi và cô đặc thành muối. Lúc này, diêm dân sẽ cào muối thành từng đụn nhỏ, chờ khoảng 3 - 4 giờ cho nước rút hoàn toàn rồi mới chuyển về nơi tập kết.

Ngày nay, dù đã tiến hành cơ giới hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất muối nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng muối, nhưng diêm dân Bạc Liêu vẫn trân trọng kỹ thuật sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Đó là kỹ thuật phơi “Xa kề, nhì kề, xắp chuối” (tương ứng với các cấp bay hơi: Sơ, trung và cao cấp) để nước biển kết tinh thành những hạt muối có kích thước lớn, rắn chắc, khô, màu trắng hồng vô cùng bắt mắt. Đặc biệt, muối Bạc Liêu có ưu điểm: Không mùi, không đắng chát, không lẫn tạp chất, vị mặn đậm đà và ngọt hậu. Năm 2019, sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” một lần nữa được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trải qua hơn 100 năm, nghề làm muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, và là tri thức dân gian được tích lũy, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, những cánh đồng muối ở Bạc Liêu còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách./.

Nam Anh

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT