Non nước Việt Nam

Thơ mộng hồ Lắk giữa đại ngàn Tây Nguyên

Cập nhật: 16/09/2021 08:35:37
Số lần đọc: 831
Từ trung tâm TP Buôn Ma Thuột theo Quốc lộ 27 khoảng 55 km là đến hồ Lắk nằm trên địa bàn thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên, với diện tích khoảng 6,2 km2, nằm ở độ cao hơn 500 m so với mực nước biển. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn.


Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên và là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn.

Hồ Lắk được bao bọc chung quanh bởi nhiều đồi núi, đặc biệt ở thượng nguồn là dãy núi Chư Yang Sin với đỉnh núi cao 2.442m so với mực nước biển và những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Nhờ đó, nguồn nước ở hồ Lắk ít khi bị khô cạn, kể cả về mùa khô Tây Nguyên.

Đứng trên cao nhìn xuống, mặt hồ Lắk rộng lớn, phẳng lặng, phản chiếu hình bóng của núi rừng, mang đến cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nhưng bình yên và thơ mộng.

Chung quanh hồ Lắk là những cánh đồng lúa nước bạt ngàn xen lẫn các buôn làng của đồng bào M’nông sinh sống bao đời nay như: buôn Lê, buôn Jun, buôn M’Liêng…, đến nay vẫn mang vẻ đẹp nguyên sơ vốn có của vùng đất Tây Nguyên.

Đồng bào dân tộc M’nông bản địa ở đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, như: diễn tấu cồng chiêng, múa hát dân ca, làm rượu cần và uống rượu cần, dệt thổ cẩm truyền thống, đan lát… Đặc biệt, còn nuôi dưỡng được 17 con voi, một biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Tọa lạc trên một ngọn đồi rất đẹp bên hồ Lắk là Biệt điện Bảo Đại, nơi vị vua cuối cùng của triều Nguyễn làm nơi dừng chân khi vua và gia đình lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát, săn bắn.

Khu Biệt điện này là một tòa nhà ba tầng, được xây theo lối kiến trúc hiện đại. Các căn phòng của Biệt điện đều có cửa sổ rộng với góc nhìn tuyệt đẹp về bốn phía.

Từ Biệt điện nhìn xuống thấy cả mặt hồ Lắk lấp lánh, xa xa là các buôn cổ của đồng bào M’nông thấp thoáng sau những tán cây rừng và nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa xanh ngắt quanh năm càng tôn tạo cho khung cảnh quanh hồ Lắk thêm thơ mộng và trù phú.

Chính vì vậy, hồ Lắk đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng không chỉ riêng Đắk Lắk mà cả khu vực Tây Nguyên. Hằng năm, đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến đây thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của hồ Lắk và khám phá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào M’nông sinh sống chunh quanh hồ.

Mùa du lịch năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vắng khách du lịch đến tham quan hồ Lắk, nhưng khung cảnh và cuộc sống của người dân ở đây vẫn luôn thơ mộng, yên bình, giản dị và ẩn chứa nhiều huyền bí để du khách khám phá.

Dưới đây là những hình ảnh thơ mộng của hồ Lắk và cuộc sống yên bình, giản dị của đồng bào dân tộc M’nông bản địa ở các buôn cổ bên hồ Lắk được phóng viên Báo Nhân Dân ghi lại trong những ngày vắng khách.

Bao quanh hồ Lắk là nhiều đồi núi ngày đêm soi bóng xuống hồ Lắk. Một người dân chèo thuyền đánh bắt cá trên hồ Lắk.

 Ở thượng nguồn hồ Lắk là dãy núi Chư Yang Sin với đỉnh núi cao 2.442 m so với mực nước biển, là dãy núi cao nhất tỉnh Đắk Lắk.

Bên hồ Lắk có một đồi cao bao phủ cây rừng, nơi tọa lạc của Biệt điện Bảo Đại.

Biệt điện Bảo Đại tọa lạc trên quả đồi cao bên hồ Lắk được xây dựng với kiến trúc hiện đại.

Đứng trên Biệt điện Bảo Đại nhìn xuống, xa xa là các buôn cổ M’nông hiện ra trông đẹp như một bức tranh.

Tại các buôn cổ của đồng bào M’nông bên hồ Lắk còn lưu giữ được nhiều nhà dài truyền thống.

Mỗi khi chiều về, trên ngôi nhà dài truyền thống bên hồ Lắk, bà con dân tộc M’nông vẫn đem cồng chiêng ra đánh để nhắc nhở con cháu bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ở những buôn cổ bên hồ Lắk có những cây cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát.

Nhờ vào nguồn nước hồ Lắk, đồng bào M’nông ở đây sản xuất lúa nước hai vụ mỗi năm.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bên hồ Lắk còn khai thác nguồn thủy sản trong lòng hồ để phục vụ cuộc sống hằng ngày.

 Những chiếc xuồng của người dân dùng để chèo đi đánh bắt cá trên hồ Lắk.

Những chiếc thuyền độc mộc phục vụ khách du lịch trên hồ Lắk, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 5 tháng nay không có khách du lịch, các thuyền vẫn chờ đón khách.

Đến nay, các hộ đồng bào dân tộc sinh sống bên hồ Lắk vẫn còn nuôi dưỡng được 17 con voi, một loại động vật quý hiếm và là một biểu tượng của Tây Nguyên cần được bảo tồn, gìn giữ. Trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, đàn voi không phục vụ du lịch mà được đưa về rừng chăn thả để sinh sống trong môi trường tự nhiên.

Nguyễn Công Lý

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT