Hoang sơ thác Cá Nhảy ở Tiên Yên (Quảng Ninh)
Chúng tôi đến thác Cá Nhảy cùng anh cán bộ xã Hà Lâu. Nhiều năm trước giao thông đến thôn Nà Hắc rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn luôn cao. Ngày nay, từ chương trình xây dựng nông thôn mới đường đến Nà Hắc đã được cải thiện rất nhiều. Trước đây hơn chục năm, đã có lần tôi cùng các cán bộ huyện Tiên Yên đến Nà Hắc, nhưng phải cuốc bộ mất cả ngày. Bây giờ đường đi được bằng xe hơi, nhưng nếu đi xe máy cũng chỉ khoảng 20 phút là đến được thôn.
Từ thôn Nà Hắc, lại thêm hành trình gần 1 giờ cuốc bộ nữa mới vào được đến thác Cá Nhảy. Quãng đường chỉ vài cây số, nhưng phải lội qua chục đoạn suối và các cánh rừng tự nhiên, thỉnh thoảng hiện ra những ruộng lúa, nương sắn của người dân Nà Hắc.
Thác Cá Nhảy đã hiện dần ra trước mắt, đó là những khối đá rêu phong, xen kẽ cây cổ thụ có niên đại gần trăm năm mọc sừng sững, gần như không có sự tác động của con người. Thác Cá Nhảy là đầu nguồn con sông chảy qua xã Hà Lâu. Đỉnh nguồn tạo thác là núi Phượng Hoàng (tiếng địa phương gọi là Khau Xiểng) cao 840m, được coi là nóc nhà của huyện Tiên Yên. Từ ngọn Phượng Hoàng, thác chảy qua nhiều tán rừng, đến gần khu vực thôn Nà Hắc dòng thác hiện rõ hơn với độ cao khoảng 4m, xòe rộng hình thang. Vào mùa mưa, nước đổ dốc thành dòng trắng xóa, có khi đứng cách xa cả cây số vẫn nghe tiếng nước đổ. Xung quanh khu vực thác có nhiều phiến đá rộng bằng phẳng, thích hợp với mô hình du lịch cắm trại, giữa cảnh rừng thiên nhiên.
Khi mặt trời lên, những tia nắng rực rỡ xuyên qua các tán lá cây rừng chiếu thẳng xuống thác Cá Nhảy, gặp tia nước tạo thành cảnh lung linh huyền ảo. Theo những người cao tuổi ở thôn Nà Hắc, trước đây ở thác có nhiều cá to nhảy nhót vượt thác mà thành tên gọi. Một thời, quy định của thôn, người dân không được tự ý vào thác Cá Nhảy để bắt cá. chỉ khi nào thôn có khách quý, người đại diện trong làng mới vào suối bắt vài cân cá để đãi khách. Những năm gần đây, không ai được vào thác Cá Nhảy để bắt cá, vì lượng cá ít đi nên cần giữ số cá tự nhiên nhằm bảo tồn. Gỗ quý trong rừng được người dân tự giác bảo vệ, bởi vậy Nà Hắc vẫn giữ được những khu rừng gỗ táu nguyên sinh.
Từ bao đời nay, người dân thôn Nà Hắc có truyền thống tốt đẹp, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia cùng nhau bảo vệ các khu rừng nguyên sinh. Mặc dù chỉ trước đây chục năm, khi nông thôn mới chưa được đưa vào Hà Lâu, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn luôn gần 100%. Các ngôi nhà ở thôn đa phần đều là nhà tranh tre, nhưng bà con không vì lý do nghèo mà phá rừng, hay “bắt tay” với lâm tặc để bán gỗ làm giàu. Người dân tự hiểu, đây là rừng thiêng bảo vệ đời sống con người, rừng chắn gió bão, cung cấp nguồn nước ngọt cho đời sống và ruộng đồng, cung cấp cây thuốc để chữa bệnh... mất rừng, là mất tất cả.
Thác Cá Nhảy sẽ trở thành điểm đến của du khách, khi du lịch đang dần hình thành ở xã Hà Lâu. Chợ phiên Hà Lâu được khôi phục từ cuối năm 2018, không chỉ thu hút người Dao đến từ các thôn bản của Hà Lâu và các xã của huyện Tiên Yên, mà còn thu hút cả bà con các dân tộc đến từ huyện Bình Liêu và các huyện Đình Lập, Lộc Bình (Lạng Sơn). Khách sang mua bán trao đổi hàng hóa như: Măng rừng, quế, gà Tiên Yên, bánh chưng gù, mía, gạo nếp nương, khau nhục, kẹo lạc hồng, quần áo thổ cẩm... Cuối tháng 10/2019, huyện Tiên Yên đưa ra kế hoạch sẽ xây dựng thôn Khe Lẹ, là thôn có 100% người Dao của xã Hà Lâu trở thành bản du lịch Homestay, tạo thêm cơ hội cho du khách được khám phá thác Cá Nhảy.