Những bài chiêng cổ của người Xơ Đăng ở Sa Loong
Già làng A Luông (bên trái) cùng các thành viên trong đội cồng chiêng biểu diễn bài "Mừng giải phóng đất nước". Ảnh: ĐT
Dưới cái nắng oi ả của tiết trời tháng 3 đến làng Giang Lố 1. Ngôi làng nằm ngay trung tâm xã Sa Loong nay đã thay đổi nhiều. Những ngôi nhà mới mọc lên, đường sá khang trang sạch đẹp hơn.
Do có hẹn trước, những thành viên trong đội cồng chiêng của làng đã ngồi đợi tôi trong nhà rông. Biết tôi về làng tìm hiểu về những bài chiêng cổ, ai cũng niềm nở bắt tay chào đón. Hầu hết là những bậc cao niên trong làng, gồm già làng A Luông (77 tuổi), ông A Lam (95 tuổi), ông A Jú (70 tuổi), ông A Trung (65 tuổi), thôn trưởng A Duẩn, nguyên già làng A Lôn và các thành viên khác trong đội cồng chiêng.
Sau khi chào hỏi nhau, do biết trước được mục đích của tôi nên già làng A Luông vui vẻ vào việc ngay.
Già làng A Luông cho biết, làng Giang Lố 1 có rất nhiều bài chiêng nhưng trong đó có 8 bài chiêng cổ. Già làng A Luông không rõ những bài chiêng cổ có từ bao giờ, nhưng ông chắc chắn một điều rằng, có những bài chiêng có “tuổi đời” lớn hơn cả tuổi của ông và của những người lớn tuổi trong làng hiện nay. Thậm chí lúc còn nhỏ, ông còn nghe cha của mình kể lại rằng, một số bài chiêng có từ thế hệ ông nội của ông, tức lúc làng mới thành lập.
Đó là những bài chiêng cổ như Kôn Chêm Jil (Con chim mũi nhọn), Ong Na (1 cô gái yêu 3 chàng trai), A Trở Ta Đăm Brớc Đang Ka Ché (Những chàng trai, cô gái đi kiếm rau rừng), A Trở Ta Đăm Brớc Đang Măng Ché (Những chàng trai, cô gái đi kiếm măng rừng); hay những bài chiêng được sáng tác cách đây hàng chục năm như: Pơ Hlang Rup Chu (người Pháp bắt trộm heo), Bín Xeang Jơ Nai Tơ Ne Đeak (Mừng giải phóng đất nước), Xo Khak Đại Hội Jơ Nai (Mừng đại hội thành công)…
“Tất cả các bài chiêng này đều được sáng tác dựa trên những câu chuyện có thật xảy ra ở làng và có ý nghĩa giáo dục, phê phán, bày tỏ sự vui mừng… thông qua các giai điệu cồng chiêng”, già làng A Luông chia sẻ.
Tôi tò mò hỏi về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa cụ thể của các bài chiêng thì được già làng A Luông cùng các thành viên khác trong đội cồng chiêng của làng cho hay, bài “1 cô gái yêu 3 chàng trai” dựa trên câu chuyện về một cô gái xinh đẹp trong làng được 3 chàng trai khôi ngô tuấn tú theo đuổi. Một ngày nọ cô báo với gia đình rằng mình có thai và 3 chàng trai này đều không nhận đứa con trong bụng của cô gái. Cô gái rất buồn nên già làng lúc bấy giờ phải triệu tập toàn thể dân làng, 3 chàng trai và cô gái đến nhà rông để giải quyết. Cuối cùng cũng có 1 chàng trai đồng ý lấy cô gái làm vợ và chăm sóc cho đứa trẻ khi ra đời. 2 chàng trai còn lại bị phạt bằng cách mổ heo và bò để tạ lỗi dân làng theo tập tục. Câu chuyện này được sáng tác thành bài chiêng và được biểu diễn trong các lễ hội của làng nhằm mục đích giáo dục về trách nhiệm và sự chung thủy trong tình yêu cho các thế hệ thanh niên trong làng.
Bài chiêng “Những chàng trai cô gái đi kiếm rau rừng” thì dựa trên câu chuyện ngày xưa, khi những chàng trai và cô gái được cha mẹ của họ giao nhiệm vụ vào rừng kiếm rau để cải thiện bữa ăn mỗi ngày. Mọi người cùng vào rừng kiếm rau nên nảy sinh tình cảm và sau này se duyên thành nhiều cặp vợ chồng. Bài chiêng được sáng tác để lưu giữ nét đẹp trong đời sống và giải thích quá trình hình thành nên các gia đình trong làng.
Bài chiêng “Những chàng trai cô gái đi kiếm măng rừng” thì lại dựa trên câu chuyện về việc bảo vệ của chàng trai đối với cô gái mà họ yêu thương. Ngày xưa, khi xung quanh làng còn rừng rậm và nhiều thú dữ, mỗi lần các cô gái vào rừng kiếm măng, các chàng trai yêu thương của họ đều đeo nỏ, cầm giáo đi cùng để bảo vệ. Bài chiêng được sáng tác nhằm kể lại quá trình băng rừng, chiến đấu với thú dữ của các chàng trai và giáo dục cho các thế hệ mai sau về trách nhiệm trong tình yêu đối với cô gái của mình.
Bài chiêng “Người Pháp bắt heo” thì dựa trên câu chuyện vào thời Pháp thuộc, dân làng hay bị người Pháp cầm súng đe dọa lấy hết lương thực và bắt heo. Vì dân làng bị thực dân Pháp đàn áp và chịu nhiều đau khổ nên bài chiêng được sáng tác nhằm giãi bày sự căm giận, phẫn nộ của dân làng đối với thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, vơ vét của cải của nhân dân ta.
Bài chiêng “Mừng giải phóng đất nước” được sáng tác ngay sau ngày 30/04/1975. Khi ấy, toàn thể người dân trong làng đều vui mừng, không khí rộn ràng, hạnh phúc xuất hiện ở khắp mọi nơi. Bài chiêng ra đời để bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo đấu tranh giải phóng đất nước và thể hiện tâm trạng phấn khởi , vui mừng của người dân trong làng.
Sau khi chia sẻ về lịch sử ra đời cũng như ý nghĩa của các bài chiêng cổ, già làng A Luông cùng mọi người đứng dậy biểu diễn những bài chiêng này cho chúng tôi xem. “Cũng giống như các bài chiêng khác, những bài chiêng cổ được biểu diễn bởi đội chiêng gồm 8, 10 hoặc 12 người và luôn có 1 người đánh chiêng Goong (chiêng lớn nhất trong bộ chiêng), 1 người đánh trống và 2 người đánh xoè. Các bài chiêng đều có lời. Với bài tâm trạng vui, nhịp chiêng nhanh, các thành viên trong đội vừa đánh vừa di chuyển theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Với bài chiêng diễn tả tâm trạng buồn thì ngược lại”, già làng A Luông nói.
Tâm trí tôi cuốn theo giọng hát ngân nga của ông A Jú cùng âm thanh cồng chiêng trong bài hát “Con chim mũi nhọn”: Chàng trai với cô nàng cùng nhau vui mừng. Vào mùa khô tháng 12 lúa đầy kho, chỉ chờ ngày phát. Cùng nhau vui chơi, tình yêu xinh đẹp cười tươi lạnh. Cùng với mọi người chung vui ngày mừng lúa mang gùi đem về kho, bụng no ấm và hạnh phúc. Anh đi, anh sẽ trở lại với em, cả buôn làng và hàng xóm. Đảng, Nhà nước đã soi sáng, ánh sáng tuyệt vời. Rồi mọi người cùng chung vui nhảy múa.
Biểu diễn xong, già làng A Luông “bật mí” với tôi rằng ông vừa mới sáng tác 2 bài chiêng mới, cũng dựa trên câu chuyện có thật ở làng, nội dung phê phán việc uống rượu say của người đàn ông và việc ngoại tình của người phụ nữ trong gia đình. Ông vui mừng tâm sự rằng, đội cồng chiêng sắp hoàn thành việc truyền dạy lại các bài chiêng cổ cho thế hệ trẻ trong làng. “Thế hệ trẻ trong làng chịu khó học và đánh cồng chiêng lắm”, già làng A Luông phấn khởi nói trước khi chào tạm biệt tôi./.