Thác Tea Prông - điểm đến yên bình
Đã vào cao điểm nắng gắt, trời cao nguyên khô hanh như hút cạn từng con suối nhỏ. Cũng may là đường vào xã Tu Mơ Rông như dịu lại dưới bóng mát của rừng cây. Con đường đất nhỏ từ Quốc lộ 40 đi qua địa bàn xã dẫn vào chân thác Tea Prông lọt thỏm giữa bốn bề cây rừng đem lại cảm giác tĩnh mịch, thoảng nghe tiếng nước xa xa. Mùa này, lòng thác đã thu hẹp lại, song dòng nước thì vẫn lặng lẽ tuôn trào. Cảm giác trong trẻo, yên bình khiến mọi người ngỡ ngàng.
Thác Tea Prông là nơi dẫn nguồn nước về sinh hoạt của bà con làng Đăk Chum 2 và một số làng lân cận. Không gắn với truyền thuyết, hay sự tích nhuốm màu huyền thoại, Tea Prông chỉ đơn giản là tên thác được đồng bào địa phương gọi từ lâu đời. Vì hình thành trên địa hình dốc cao, có nhiều vị trí tạo thành các tầng nước khác nhau nên còn được gọi là thác “đa tầng”.
Bao quanh thác là ruộng, là rẫy của người dân địa phương. Tất cả tạo nên không gian mát mẻ, trong lành. “Ông bà, cha mẹ mình ngày trước làm rẫy nhiều, nhưng không phát rừng bừa bãi. Ở nơi có thác nước, càng không được phá cây cối. Bây giờ, con cháu, dân làng cũng vậy, phải giữ rừng để cho thác đẹp hơn... ”- chị Y Đeng, người làng Đăk Chum 2, xã Tu Mơ Rông nói.
Năm 2019, thác Tea Prông được xác định là điểm đến trong định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, làm cơ sở kết nối với các điểm du lịch thuộc các loại hình du lịch lịch sử, du lịch nông nghiệp… trên địa bàn huyện.
Khởi đầu mang tính đột phá được UBND huyện giao cho Huyện đoàn Tu Mơ Rông đảm nhận, với trọng tâm đăng ký “công trình thanh niên”, xây dựng khu vực thác Tea Prông thành điểm du lịch sinh thái. Các đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện đã góp hàng trăm ngày công để mở đường, phát dọn mặt bằng, gom chặt tre nứa, cây cối; dựng 3 nhà chòi đón nhận khách, 3 cầu tạm qua suối và lắp đặt xích đu, bàn ghế. Bên cạnh đó, cũng đưa vào sử dụng 1 công trình vệ sinh, 10 giỏ đựng rác. Trung tuần tháng 4/2019, công trình thanh niên này đã hoàn thành, theo chị Y Hương- Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông, ban đầu, khách đến tham quan chỉ là người trong xã, trong huyện, sau thu hút người trong tỉnh, ngoài tỉnh. Không chỉ các ngày lễ, tết, mà vào dịp cuối tuần, rất nhiều bạn trẻ đã tới tham quan, thưởng ngoạn.
Tuy vậy, để xây dựng thác Tea Prông thực sự thành điểm du lịch, thì nỗ lực của các bạn trẻ thời gian qua vẫn còn chưa đủ. Việc khảo sát, chuẩn bị thủ tục hồ sơ để xây dựng nơi đây thành một trong số điểm du lịch của huyện Tu Mơ Rông đang được khẩn trương tiến hành. Bước đầu, hơn 21 ha rừng tự nhiên được khoanh vùng phục vụ yêu cầu quản lý bảo vệ rừng gắn với khai thác điểm du lịch thác nước; trong đó, diện tích vùng lõi gần 8 ha.
Nếu được đầu tư đúng mức, thác Tea Prông sẽ góp phần giúp xã khai thác tiềm năng để hình thành và phát triển du lịch nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS tại chỗ, mở ra hướng khai thác một điểm đến hấp dẫn, thú vị cho du khách gần xa.