Bảo tồn nhạc cụ truyền thống của người Sê đăng và H’rê ở Kon Tum
Nghệ nhân A Vững (trái) chế tác đàn Tinh ning.
Cùng với cồng chiêng, người Sê đăng và H’rê ở tỉnh Kon Tum còn sở hữu nhiều nhạc cụ dân tộc độc đáo được làm bằng những nguyên vật liệu sẵn có từ núi rừng.
Tuy nhiên hiện có rất ít nghệ nhân còn chế tác và sử dụng được những nhạc cụ dân tộc này. Trước thực tế trên trong khuôn khổ Tuần Văn hóa- Du lịch lần thứ VI, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang tổ chức một hoạt động rất có ý nghĩa, đó là liên hoan chế tác nhạc cụ dân tộc.
Trong một không gian nhỏ ở Nhà rông làng Kon Pring, xã Đăk Long, lão nghệ nhân A Lễ, đến từ làng Kon Chênh, xã Măng Cành say xưa chế tác Tà vẩu, một loại nhạc cụ mà theo ông là rất độc đáo của dân tộc Sê đăng nhánh Mơ nâm. Tà vẩu độc đáo ở chỗ, toàn bộ nhạc cụ này chỉ dài khoảng 7cm được chế tác từ một ống nứa duy nhất cộng với chút sáp ong nhưng âm thanh thì réo rắt quyến rũ. Trong những lễ hội quan trọng của làng, như Ăn trâu mừng Nhà rông mới, mừng lúa mới… phải có âm thanh của Tà vẩu phụ họa thì cồng chiêng mới sang trọng và linh thiêng. Nghệ nhân A Lễ cho biết, làng của ông có 80 hộ với trên 300 khẩu nhưng số người còn làm và thổi được Tà vẩu đếm không đủ ngón của một bàn tay.
Bởi vậy mong muốn nhất của già là truyền lại được cách làm và cách thổi Tà vẩu cho những người trẻ:“Bản thân tôi muốn duy trì, gìn giữ lại, truyền đạt lại cho những thế hệ con cháu sau này. Muốn là con cháu giữ lại bản sắc về văn hóa, nhạc cụ của dân tộc Mơ nâm để sau này giữ gìn được lâu dài”.
Lần đầu tiên được huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tổ chức trong một sự kiện văn hóa của địa phương, liên hoan chế tác nhạc cụ dân tộc Sê đăng và H’rê cuốn hút đông đảo người dân cũng như du khách. Đối với 18 nghệ nhân đến từ 9 xã trong huyện tham gia liên hoan thì đây là bất ngờ lớn bởi sự yêu mến của mọi người dành cho họ.
Thông qua liên hoan, những nhạc cụ mà nghệ nhân thường làm, thường chơi những lúc nông nhàn hoặc trong các lễ hội, như: Tinh ning, Brâng, Tà vẩu, Klông pút… đã vượt ra ngoài không gian làng mang đến sự tự hào cho chủ nhân.
Nói về cây đàn Tinh ning, được ví như cây đàn tình yêu của người Sê đăng, nghệ nhân A Vừng, làng Rô Xia 2, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, cho biết:“Thanh niên họ lấy cái đàn Tinh ning người ta đánh. Những người hay, giỏi, đánh là con gái thích nghe. Họ yêu nhau là họ thể hiện trong cái đàn. Có người yêu nhau luôn, lấy nhau luôn đẻ con sinh cái”.
Trong một cuộc khảo sát mới đây tại 89 làng người Sê đăng và H’rê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Plông, có nhiều làng đã vắng bóng nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống. Sự mai một càng đáng lo ngại khi lớp trẻ đang bị cuốn hút bởi âm nhạc hiện đại.
Bởi vậy, theo ông A Sơn, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Plông, việc tạo ra những sân chơi văn hóa là sự khởi đầu cần thiết của địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của người Sê đăng và H’rê:“Liên hoan chế tác nhạc cụ dân tộc là để cho giữa dân tộc này với dân tộc kia người ta giao lưu học hỏi lẫn nhau về vấn đề chế tác nhạc cụ. Thứ hai nữa là để người trước truyền lại cho người sau. Thứ ba để tạo sự tò mò cho trẻ nhỏ và những người khác người ta tới. Khi mà ta làm được như thế thì chắc chắn sau này thế hệ sau họ sẽ yêu mến chế tác nhạc cụ”./.