Non nước Việt Nam

Tiềm năng phát triển "du lịch xanh" tại Xứ Dừa

Cập nhật: 30/04/2020 14:29:00
Số lần đọc: 1067
Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang đi theo hướng phát triển ngành công nghiệp không khói này. Trong những năm gần đây, khái niệm "du lịch xanh" ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, thu hút du khách vì đây là loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường là rất lớn. Bến Tre được biết đến là vùng đất "Ba đảo Dừa xanh", là "Xứ sở Dừa Việt Nam" và có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Thật vậy!

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây còn là loại hình du lịch theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực vào bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa. Ngoài ra, du lịch xanh còn có ý nghĩa trong việc nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi giải trí.

Các em học sinh trải nghiệm 1 ngày làm nông tại Xứ Dừa (Ảnh: phuankhang.com)

Bến Tre có diện tích 2.322 km2, dân số gần 1,3 triệu người (Theo Tổng cục Thống Kê 2019), là một trong mười ba tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, được bồi đắp bởi 4 nhánh sông lớn là sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Bến Tre còn được đông đảo du khách biết đến với tên gọi "Quê hương Xứ Dừa" vì nơi đây có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước - trên 71.000 ha cùng trên 35.000 ha vườn cây ăn trái; tất cả đã trải dài phủ khắp một màu xanh lá trên 3 dải Cù Lao.

Năm 2018, du lịch tại tỉnh Bến Tre thu hút được 1.574.128 lượt khách và tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 1.329 tỷ đồng. Tính đến năm 2019, lượng khách đến Bến Tre đã lên đến 1.882.025 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 796.186 lượt, chiếm 42,3% và tổng doanh thu từ khách du lịch gần 1.791 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây là những con số ấn tượng và cho thấy tiềm năng để phát triển du lịch xanh tại Xứ Dừa là rất lớn.

Thế mạnh của du lịch Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ phong phú, đa dạng với những vườn dừa xanh bạc ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả được phù sa bồi tụ quanh năm cùng khí hậu nắng ấm, mát mẻ và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, Bến Tre còn có môi trường sinh thái trong lành, là vùng đất vẫn còn lưu giữ được những nét sông nước miệt vườn với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguồn thủy hải sản dồi dào,… và nếp sống bình dị cũng như sự gần gũi, chan hòa của người dân gắn liền với thiên nhiên.

Du khách trải nghiệm đạp xe trên đường quê Xứ Dừa (ảnh: T.S.)

Du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa", du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch homestay tại thành phố Bến Tre và các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc,… đều đang hướng đến các mảng xanh, chú trọng bảo vệ môi trường cũng như đưa du khách tham gia nhiều hoạt động đậm chất Nam Bộ: trải nghiệm 1 ngày làm nông, đi xe ngựa đường làng, chèo thuyền trong rạch dừa nước, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan vườn rau sạch, vườn trái cây, vườn hoa, tham quan lò kẹo, lò gạch, các làng nghề truyền thống khác.

Hiện nay, Bến Tre có diện tích rừng ngập mặn là 3.900 ha, trong đó rừng tự nhiên là 1.000 ha, rừng trồng là 2.900 ha gồm các loại cây chủ yếu: đước, đưng, bần, mắm, phi lao,…được phân bổ ở 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Ngoài ra, tại 3 huyện này còn có du lịch biển rất hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của những hàng dương, bãi cát mịn: biển Thừa Đức, biển Thới Thuận, biển Ba Tri,… Du khách đến đây không những được hòa mình vào không gian biển cả thơ mộng, thưởng thức đặc sản từ các loại hải sản tươi ngon (nghêu, tôm, cua, sò,…) hay món bánh xèo đặc trưng của vùng ven biển Bến Tre mà còn được tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương bên những luống dưa, rẫy sắn, cánh đồng lúa hay trải nghiệm các hoạt động bắt các loài thủy sản trong rừng ngập mặn.

Nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 35 km, sân chim Vàm Hồ thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri có diện tích 68 ha, là hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển vô cùng phong phú. Quần thể chim nơi đây có hơn 100 loài chim, ước tính khoảng 500.000 con các loại như: cò quắm, cò trắng, vạc, chích chòe, bìm bịp, cúm núm, chèo bẻo,…Đặc biệt, tại đây còn có nông trại du lịch sẽ đưa du khách trở về miền quê dân dã, tận hưởng cuộc sống thanh bình, trong lành với thiên nhiên nên thơ cùng nhiều món ăn đậm chất Xứ Dừa: cá lóc nướng, tép rang dừa, bánh lá rau mơ, chè chuối,…

Sân chim Vàm Hồ, huyện Ba Tri (ảnh: N.D.)

Từ trung tâm thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông khoảng 25 km, du khách sẽ đến với huyện Chợ Lách. Đây là vùng đất trù phú với nhiều vườn cây ăn trái đặc sản nổi tiếng khắp cả nước như: sầu riêng Cái Mơn, măng cụt, chôm chôm, bòn bon,…với sản lượng cao, hương vị ngon ngọt, luôn đáp ứng nhu cầu du khách với mùa nào quả nấy. Nét nổi bật của huyện Chợ Lách còn có làng nghề cây giống, hoa kiểng tại các xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B như: kiểng thú, kiểng hình, bon sai,…được tạo dáng độc đáo qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Hơn nữa, nơi đây còn thu hút du khách trong, ngoài nước bởi những vườn hoa, vườn cây giống trải dài trên các tuyến đường trong xã, trong ấp.

Ngoài việc phát triển loại hình du lịch xanh với các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp với các làng nghề truyền thống - các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã làm nên hấp dẫn và phong phú sản phẩm trong chuyến hành trình trải nghiệm du lịch xanh tại Bến Tre.

Bến Tre là vùng đất Xứ Dừa có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa nhân văn rất đa dạng và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Hy vọng, ngành "công nghiệp không khói" tại nơi đây sẽ ngày càng thăng hoa vì Bến Tre luôn xác định phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương./.

 


 

Nguồn: TTTTXTDL Bến Tre

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT