Non nước Việt Nam

Độc đáo kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày

Cập nhật: 11/11/2019 09:45:23
Số lần đọc: 745
Từ nhiều đời nay, đồng bào dân tộc Tày xã Phương Tiến (Vị Xuyên) đã dựng nên kho tàng văn hóa đa dạng, đặc sắc. Trong đó, phải kể đến kiến trúc nhà sàn độc đáo; đây không chỉ là mái nhà sinh sống mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần của người Tày.


Kiến trúc nhà sàn truyền thống được người Tày gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Bành, thôn Nà Thài, xã Phương Tiến: Để hoàn thành ngôi nhà sàn phải trải qua rất nhiều công đoạn; ngay từ khâu chọn vật liệu, chủ nhà mất rất nhiều thời gian và công sức. Khi bắt tay vào dựng nhà, những người thợ lành nghề phải khéo léo dựng từng cây cột, ghép từng mảnh gỗ sao cho đúng vị trí để ngôi nhà được vững chắc. Nhà sàn của người Tày thường từ 4 - 7 gian; có 2 mái và được lợp bằng lá cọ, cột nhà phải là số chẵn từ 24 - 38. Gian nhà chính được chia thành 2 phần, bên trong là nơi sinh hoạt của gia đình và phần ngoài phòng khách. Bàn thờ được dựng ở gian giữa để cầu nguyện Tổ tiên phù hộ cho gia đình được bình an. Những gian sinh hoạt còn lại dành cho người già, phòng bên trái sau bàn thờ dành cho cặp vợ chồng mới cưới, phòng bên phải dành cho các con gái. Theo phong tục, cầu thang đi lên nhà phải được đặt theo hướng Đông và hướng Nam.

Người Tày thường đặt bếp lửa giữa nhà; đây là nơi để mọi người trong gia đình quây quần, tạo bầu không khí đầm ấm. Trên gác bếp, thường dùng làm kho chứa đồ và tận dụng hơi nóng của bếp lửa để làm khô các loại nông sản. Các vật dụng truyền thống của người Tày như: Nón lá, túi lưới, dây bao dao, mây tre nứa đan đó cá, dát phơi thóc, dụng cụ đựng đồ bếp được sắp xếp ngăn nắp và gọn gàng.


Bếp lửa đặt ở gian chính trong nhà sàn.

Nhà thường dựng ở vùng chân đồi, ngoài cánh đồng hay những nơi có không gian thoáng đãng. Nếu nhà gần nơi có dòng nước chảy thì không được làm hướng nhà ngược dòng nước. Việc làm nhà của người Tày có nhiều quy định và những kiêng kỵ như: Làm nhà nhất thiết phải chọn ngày hợp với chủ nhà, chọn cột là những cây thẳng đẹp, không lấy cây bị dây cuốn, cây đổ, cây bị cụt ngọn… Khi dựng xong khung nhà, dù chưa lợp mái cũng phải đốt lửa tại bếp (ý nghĩa coi như nhà có chủ). Thủ tục đốt lửa phải có đủ 2 bên nội ngoại cùng cầm 2 bó đuốc và mọi người đứng 4 góc chứng kiến châm lửa vào bếp. Đây là tục lấy lửa vào nhà mới, ô bếp thường do chính tay người nhà bên ngoại của gia đình làm.

Có thể thấy, những ngôi sàn nơi đây đã thể hiện rõ phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Tày. Đồng chí Lý Thị Thanh Chuyền, Chủ tịch UBND xã Phương Tiến, cho biết: Để kiến trúc đặc trưng không bị mai một, UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ nét truyền thống trong mỗi ngôi nhà, không thay đổi, làm mới kiến trúc nhà sàn đã được ông cha truyền lại.

Bài, ảnh: Nguyễn Ngân

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT