Phú Quý (Bình Thuận): Gắn người dân vào phát triển du lịch
Bãi biển tại Hòn Tranh đẹp hoang sơ, êm đềm
Tiềm năng, lợi thế
Nằm ở giữa biển nhưng Phú Quý có một địa hình không bằng phẳng, trong đó có 3 ngọn núi chính là: núi Cấm (cao 108 m), núi Cao Cát (85 m) và núi Ông Đụng (44,9 m). Trong những ngọn núi này, núi Cấm được xem như 1 phao tiêu thiên nhiên rất quan trọng để ngư dân “bắt được đảo” trong những cuộc hải trình. Những khi thời tiết trong xanh, từ đỉnh núi Cấm có thể trông thấy các điểm cao ở đất liền như: núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Mũi Cà Ná (Ninh Thuận) và cả dãy núi Nam Trường Sơn. Động thực vật sinh sống dưới biển ở Phú Quý rất phong phú về chủng loại như: đồi mồi, tôm hùm, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, ốc xà cừ với nhiều màu sắc dùng làm những mặt hàng mỹ nghệ rất hấp dẫn. Ngoài ra, dưới đáy biển Phú Quý còn có những rạn san hô định cư thành tập đoàn ở mực nước sâu, mà khi ở trên mặt nước nhìn xuống trông như hàng ngàn, hàng vạn cành cây hoặc gạc hươu màu trắng đục. Quanh đảo chính Phú Quý còn có 9 đảo nhỏ bao bọc tạo thành 1 quần đảo mà nhân dân địa phương thường gọi là những hòn lẻ. Các hòn đảo này được chia thành 2 khu vực. Đáng chú ý nhất là Hòn Hải, cách đảo lớn 35 hải lý về phía Nam. Đây là 1 khối đá lớn thẳng đứng, cao hơn 100 m, dài khoảng 130 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60 m. Hoàng Hải không chỉ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xác định chủ quyền lãnh hải của tổ quốc mà đây còn có thể là một điểm đến hút khách nếu được kết nối trong các tour du lịch Phú Quý. Cách đảo chính 0,5 hải lý về hướng Đông Nam là Hòn Tranh, có dạng hình chữ S với diện tích 0,57 km2. Hòn Tranh cũng đang nổi lên là điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Phú Quý. Hòn Tranh hoang sơ với những bờ cát thoải được ôm trọn bởi làn nước trong xanh, hiền hòa. Đây được coi là một bãi tắm lý tưởng và rất thích hợp cho việc phát triển mạnh môn lặn biển. Theo ông Lê Hồng Lợi - Phó Bí thư Huyện ủy Phú Quý, vào những ngày cao điểm, Hòn Tranh thu hút khoảng 2.000 khách đến tham quan.
Ngoài những hòn lẻ, do đặc điểm về vị trí, địa lý, Phú Quý còn có nhiều roi, mũi, bãi tuyệt đẹp, nơi có những hàng dừa xanh mọc cạnh những dãy đá đen với nhiều hình thù trên một nền cát trắng. Cộng với đó là khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm… tất cả hợp lại là một lời mời gọi hấp dẫn đối với du khách khi đến đảo. Ngoài những cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, Phú Quý còn có 35 di tích tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Gắn người dân làm du lịch
Hiện nay, đất nông nghiệp tại Phú Quý ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt, thời gian gần đây tình trạng người dân bán rẫy khá nhiều. Do vậy để phát triển nông nghiệp tại huyện gần như không khả thi. Hơn nữa, do tình trạng ngư trường suy giảm, nên việc khai thác hải sản trên biển của ngư dân cũng đã ảnh hưởng ít nhiều… Vì vậy tập trung phát triển dịch vụ du lịch là một hướng đi đúng đắn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đề ra. Ông Bùi Thế Nhân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, để phục vụ du lịch, những năm qua, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình như khách sạn, homestay, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách. Đồng thời giao thông vận tải biển tuyến Phú Quý - Phan Thiết thuận lợi hơn rất nhiều cũng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách… Nhờ đó, thời gian qua, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá vẻ đẹp của Phú Quý không ngừng tăng mạnh. Chỉ trong 9 tháng năm nay, huyện đã đón gần 40.000 lượt du khách, tăng gần 20.000 lượt so cùng kỳ. Ngoài ra, nhận thấy tiềm năng, cơ hội phát triển của du lịch huyện đảo, hiện đã có 5 tổ chức nộp đơn xin đầu tư dự án khai thác lĩnh vực du lịch trên địa bàn.
Mới đây, làm việc với huyện Phú Quý, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Thanh Cảnh cho rằng, tiềm năng du lịch của Phú Quý rất lớn, đặc biệt là du lịch sinh thái. Do đó huyện cần lựa chọn phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo, khác lạ. Thu hút đầu tư phải có chọn lọc, để làm đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch. Trong đó, đặc biệt phải phát triển mạnh hình thức du lịch cộng đồng. Làm thế nào để thu hút được không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân làm du lịch. Muốn vậy, cần nghiên cứu khuyến khích người dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng gắn với hoạt động du lịch, đáp ứng nhu cầu thăm quan của du khách. Bên cạnh đó, huyện cần quản lý chặt chẽ trên lĩnh vực đất đai và môi trường. Đặc biệt việc tích cực trồng cây xanh và giữ rừng để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Có như vậy sự phát triển du lịch của huyện mới bền vững.