Non nước Việt Nam

Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang: Nơi lưu giữ những kỷ vật chiến tranh

Cập nhật: 08/07/2019 08:42:18
Số lần đọc: 1521
Trải qua hơn 30 năm hoạt động, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, tích lũy một số lượng hiện vật, tài liệu rất lớn, qua các giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, công tác khai quật các di chỉ khảo cổ mang lại cho bảo tàng nguồn hiện vật đồ sộ, trong đó có những hiện vật vô cùng quý hiếm, có giá trị tiêu biểu của nền văn hóa thời nhà Trần, nhà Lý.

Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh hướng dẫn du khách tham quan.

Anh Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, hiện nay, Bảo tàng tỉnh lưu giữ trên 23.000 tài liệu, tư liệu, hiện vật, trong đó có 8.425 tài liệu, 14.910 hiện vật, trên 5.000 tài liệu, hiện vật về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là những chứng tích lịch sử của thời kỳ đầy cam go quyết liệt, hy sinh to lớn, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu của quân và dân ta. Toàn tỉnh hiện có 635 di tích, trong đó Bảo tàng tỉnh đang quản lý 452 di tích, còn lại do các huyện, thành phố quản lý.  

Thông qua các tư liệu, hiện vật gốc được trưng bày, giúp người dân địa phương và du khách tham quan, tìm hiểu về nền văn hóa Tuyên Quang, những mốc lịch sử quan trọng của tỉnh từ khi thành lập cho đến nay, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta; phong trào cách mạng của tỉnh thời kỳ tổng khởi nghĩa; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; những cổ vật tiêu biểu của tỉnh cùng những hiện vật cổ quý giá... Từ đó, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu, trân trọng và tự hào về công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông; tạo động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Em Đoàn Trọng Hưng, học sinh lớp 6C, trường THCS Phan Thiết chia sẻ, vừa qua chúng em được nhà trường tổ chức đi tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh. Đến đây, em cùng các bạn được tìm hiểu những hiện vật, di tích lịch sử của tỉnh và dân tộc ta. Qua đó, chúng em học hỏi được rất nhiều điều, được tìm hiểu quá trình đấu tranh giành độc lập của ông cha và tự nhắc mình phải sống, học tập thật tốt xứng đáng với những mất mát, hy sinh của các thế hệ đi trước.

Để có được những hiện vật, tài liệu, kỷ vật quý giá, các thế hệ cán bộ bảo tàng đã không quản ngại khó khăn, lặn lội tới từng địa bàn tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ với mong muốn đem đến người xem bức tranh hoàn chỉnh nhất về lịch sử đất nước qua các thời kỳ. Chị Ma Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Bảo tồn, phụ trách hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh nói, với nhiệm vụ là cầu nối giữa hiện tại với quá khứ, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn ở đây luôn nỗ lực để có thể truyền tải đến đồng bào, du khách tiếp cận được một cách gần gũi nhất những di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn có nhiều hoạt động cho du khách trải nghiệm thay vì chỉ tham quan đơn thuần. Những năm gần đây, Bảo tàng thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức giáo dục trải nghiệm cho học sinh như: Giao lưu với các nhân chứng lịch sử, giao lưu với các nghệ nhân và tìm hiểu về nhạc cụ; tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề thủ công truyền thống như dệt vải, chơi các trò chơi dân gian, các phong tục tập quán của mỗi dân tộc; tổ chức triển lãm ảnh… Các hoạt động này đã thu hút sự chú ý của người xem, tránh được sự nhàm chán, đơn điệu trong hoạt động.

Với công việc thầm lặng là sưu tầm, bảo quản hiện vật, những cán bộ Bảo tàng tỉnh đã giúp thế hệ hôm nay và mai sau được nhìn thấy, cảm nhận và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó, thấy được rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nguồn: baotuyenquang.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT