Vãn cảnh chùa Ông Đen Ông Đỏ, Bình Định
Chánh điện chùa Ông Đen Ông Đỏ.
Chùa tọa lạc trên núi Nhạn (nên có tên gọi Nhạn Sơn) thuộc thôn Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn), ở gần thành cổ Đồ Bàn, cách thành phố Quy Nhơn 23 km về hướng tây bắc.
Chùa Nhạn Sơn có tên cổ là Thạch Công tự (tức chùa thờ ông đá), Song Nghĩa tự (tức chùa thờ hai người trung nghĩa). Dân gian gọi là chùa Ông Đá, chùa Ông Đen Ông Đỏ vì trong chùa thờ hai pho tượng lớn bằng đá sa thạch theo phong cách Chăm Pa, một tượng sơn đen, một tượng sơn đỏ. Đây là hai pho tượng Dvarapalla (tượng môn thần, tức thần giữ cửa) được người Chăm điêu khắc từ thế kỷ 13.
Xung quanh chùa Nhạn Sơn, nhất là hai pho tượng Chăm có rất nhiều giai thoại li kỳ. Tương truyền, ông Đỏ là Huỳnh Tấn Công (người Quảng Nam), ông Đen là Lý Xuân Điền (người Quảng Bình). Ông Đen là quan võ, ông Đỏ là quan văn của vương triều Chiêm Thành trong thế kỷ 13. Hai ông là đôi bạn rất thân, là những người tài năng, có công lớn trong việc chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho vua Chiêm Thành và giúp vua cầm quân dẹp tan quân Xiêm La xâm lược. Sau khi thắng quân Xiêm, hai ông trở về nước Việt. Khi ông Huỳnh, ông Lý qua đời, cảm phục tài đức của hai ông, vua Chăm cho mời những nghệ nhân giỏi nhất trong nước về tạc tượng để tưởng nhớ công đức.
Tượng ông Đen, ông Đỏ là hai pho tượng Chăm quý có từ thế kỷ 13.
Hai tượng ông Đen, Ông Đỏ được tạc từ đá sa thạch nguyên khối, mỗi tượng cao gần 3 m, nặng gần 1 tấn, được đặt đối diện cách nhau 2 - 3 m trong chánh điện chùa Nhạn Sơn. Tượng được tạc rất sống động, điển hình cho nghệ thuật điêu khắc Chăm thế kỷ 12, 13. Năm 1977, một đoàn khảo cổ ở Hà Nội vào nghiên cứu và xác định hai tượng này có niên đại từ thế kỷ 13. Đây là hai pho tượng có giá trị lịch sử, nghệ thuật đặc biệt.
Chùa Nhạn Sơn được xây dựng từ thế kỷ 13. Ban đầu, đây chỉ là ngôi chùa làng để thờ ông Đen, ông Đỏ. Mãi đến thế kỷ 14, khi về trụ trì, hòa thượng Thích Chí Mẫn mới cho trùng tu lại chùa và đặt tên là Nhạn Sơn linh tự. Là ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng ở Bình Định, chùa Nhạn Sơn được nhắc đến trong nhiều bộ sử sách. Chẳng hạn, sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Tục gọi là chùa Ông Đá, ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía nam thành Chà Bàn (tức thành Đồ Bàn). Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao hơn 6 thước, lưng rộng hơn 5 thước, một pho sơn son (màu đỏ), một pho sơn then (màu đen)…”.
Chùa Ông Đen Ông Đỏ tọa lạc trong một không gian thanh bình với cảnh trí thơ mộng, nép dưới bóng vườn xoài cổ thụ, lưng dựa vào núi Long Cốt, trước chùa là một hồ sen lớn. Về xứ võ Bình Định, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội đến vãn cảnh chùa Nhạn Sơn. Tìm về chốn thiền môn, tận hưởng những phút giây thanh tĩnh trong tâm hồn, lắng trong lời kinh tiếng kệ và nghe kể về sự tích ông Đen, ông Đỏ sẽ là những trải nghiệm thú vị khi bạn về với chùa Nhạn Sơn.