Hoạt động của ngành

Hoạt động kinh doanh lưu trú tại Hà Nội: ''Hồi sinh'' sau dịch Covid-19

Cập nhật: 14/10/2022 07:46:24
Số lần đọc: 883
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, hoạt động kinh doanh lưu trú của khối khách sạn 3-5 sao tại Hà Nội đã dần "hồi sinh", với lượng khách ngày càng tăng, thời điểm cuối tuần nhiều nơi kín chỗ. Đặc biệt, nhiều cơ sở lưu trú đã có những chính sách riêng để thu hút khách, nhất là vào mỗi dịp cao điểm của du lịch.  


Khu du lịch Asean resort (huyện Thạch Thất) thu hút du khách, công suất sử dụng dịch vụ đạt 80-100% vào dịp cuối tuần. Ảnh: Hoàng Quyên

Công suất sử dụng phòng tăng mạnh

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng, trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 25.057 phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn, khách đến và lưu trú tại Hà Nội đã đông hơn. Riêng trong tháng 9, công suất sử dụng buồng, phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 43,7%, tăng 14,3% so với tháng 8/2022 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, trong 9 tháng năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 34,1%, tăng 12,7%.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hoạt động du lịch tại Hà Nội đã sôi động trở lại vào nhiều thời điểm, trong đó có các kỳ nghỉ lễ: Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5, Quốc khánh 02/9. Đặc biệt, khi Hà Nội bước vào mùa thu - đông, được ví là “thời điểm vàng” đón khách du lịch, lượng khách nội địa và quốc tế đến Thủ đô tăng mạnh. Anh Nguyễn Tất Thành, quản lý khách sạn Sunlight (18 Báo Khánh, quận Hoàn Kiếm) cho biết, khách lưu trú tại khách sạn ở khu phố cổ tăng dần đều theo từng tháng. Hiện tại, công suất sử dụng buồng, phòng bình quân của khách sạn Sunlight đạt khoảng 50-60%, vào ngày cuối tuần có thể đạt 90-100% công suất.

Một số khách sạn 4-5 sao ở khu vực trung tâm Hà Nội, như: Melia, Sheraton, Hilton Opera... đón được nhiều đoàn khách là thương nhân theo hình thức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Giám đốc điều hành khách sạn La Casa (quận Hai Bà Trưng) Bùi Quốc Tuấn cho hay, đã có nhiều khách quốc tế đến lưu trú tại khách sạn theo hình thức khách đoàn và khách lẻ. Tuy nhiên, lượng khách lưu trú tại Hà Nội vẫn chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế mới chiếm khoảng 30%, trong đó nhiều nhất là khách Ấn Độ và các nước khu vực Đông Bắc Á. “Nếu như mọi năm khách Trung Quốc, châu Âu chiếm tỷ lệ lớn, thì hiện nay khách Ấn Độ đang chiếm thị phần chính. Điều này khiến các cơ sở lưu trú phải chú ý hơn khi phục vụ, vì khách Ấn Độ có yêu cầu riêng trong ăn uống và một số hình thức sinh hoạt”, anh Bùi Quốc Tuấn chia sẻ.

Ở khu vực ngoại thành, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, như: Làng Mít, Glory resort (thị xã Sơn Tây); Asean resort (huyện Thạch Thất); Medi Thiên Sơn, Paragon resort (huyện Ba Vì)… có lượng khách ổn định; công suất sử dụng phòng những ngày cuối tuần đạt khoảng 80-90%, nhiều thời điểm khách phải đặt trước vì hết chỗ. Quản lý Khu nghỉ dưỡng Glory resort Đỗ Văn Tiến thông tin, khách lưu trú ở khu vực ngoại thành chủ yếu là khách nội địa, đi theo nhóm gia đình hoặc bạn bè.

Du khách làm thủ tục đăng ký lưu trú tại khách sạn La Ciesta (phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm).

Để khách lưu trú lâu hơn

Mặc dù hoạt động lưu trú đang có nhiều tín hiệu tích cực, song các khách sạn, resort của Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc giữ chân du khách lưu trú lâu hơn.

Giám đốc điều hành Khu du lịch nghỉ dưỡng Paragon resort Nguyễn Tiến Sơn cho biết, việc đầu tư, bảo dưỡng cho cơ sở lưu trú mất rất nhiều kinh phí, nên nhiều cơ sở vẫn chưa nâng cấp được dịch vụ như mong muốn. Còn theo Giám đốc điều hành Khu du lịch Medi Thiên Sơn Đỗ Quốc Thái, một trong những khó khăn đối với các cơ sở lưu trú là việc bổ sung và đào tạo lại nguồn nhân lực bị hao hụt.

Trước đòi hỏi mới của ngành Du lịch trong việc thu hút du khách, nhất là khách quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Thanh Thảo cho rằng, các cơ sở lưu trú nên có thêm nhiều hình thức liên kết với đơn vị lữ hành để đưa - đón khách thường xuyên. Còn Giám đốc điều hành Khu du lịch nghỉ dưỡng Paragon resort Nguyễn Tiến Sơn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tăng cường quảng bá điểm đến và những cơ sở lưu trú chất lượng cao.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý cơ sở lưu trú - dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho các đơn vị, địa phương. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, theo quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, Hà Nội sẽ không phát triển cơ sở lưu trú quy mô dưới 10 phòng, mà ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch để nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú. Cụ thể, khu vực quận Hoàn Kiếm sẽ bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có; đồng thời, nghiên cứu khai thác hệ thống nhà cổ, khôi phục lại kiến trúc nhà ở cũ của Pháp, hình thành loại hình lưu trú kết hợp nhà dân. Khu vực quận Tây Hồ và quận Ba Đình tập trung phát triển mới khách sạn cao cấp với quy mô lớn. Khu vực thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì phát triển mới hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp...

“Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở lưu trú sẽ nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo thêm trải nghiệm mới mẻ để du khách có thêm lý do ở lại Hà Nội lâu hơn”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 12/10/2022

Cùng chuyên mục