Hoạt động của ngành

Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và thi hành Luật Du lịch năm 2017

Cập nhật: 20/12/2024 11:28:39
Số lần đọc: 54
(TITC) - Ngày 19/12/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Du lịch năm 2017. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến 58 điểm cầu trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TITC

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội; Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, hàng không…

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị được ban hành ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017, đồng thời đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich Hồ An Phong khẳng định: Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Do đó, hội nghị là một bước quan trọng trong quá trình đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 08 và Luật Du lịch. Đồng thời, nhìn nhận những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Từ đó, tiếp tục tham mưu các cấp đề ra chủ trương, cơ chế chính sách tháo gỡ điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thứ trưởng Hồ An Phong nói.

Nhân dịp này, Thứ trưởng biểu dương những kết quả tích cực mà ngành du lịch đạt được trong năm 2024, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Ngành du lịch đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024, có 5 sự kiện về du lịch và các sự kiện liên quan tới du lịch lọt vào danh sách này. Cũng trong năm nay, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”, “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và Cục trưởng Cục DLQGVN Nguyễn Trùng Khánh chủ trì hội nghị. Ảnh: TITC

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta về định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển du lịch.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, ngành Du lịch đã tham mưu Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành Quyết định số 4215/QĐ-BVHTTDL ngày 09/11/2017 ban hành Kế hoạch Hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, ngành Du lịch đã trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng loạt các đề án trọng tâm triển khai thực hiện Nghị quyết như: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, phê duyệt Điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án Nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Đề án tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Nhờ đó, nhận thức và tư duy đổi mới phát triển du lịch đã được khai thông; ngành du lịch được cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo phát triển bền vững; cơ chế, chính sách từng được hoàn thiện; cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật được đầu tư đồng bộ; nhân lực du lịch được đào tạo nâng cao; công tác xúc tiến được đầu tư đổi mới; công tác quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả.

Sau hơn 07 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Du lịch Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được định hình. Đến nay du lịch đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ngoài ra, du lịch cũng có vị trí, vai trò quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường góp phần tích cực giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC

Luật Du lịch 2017 tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động du lịch trên toàn quốc

Sau khi Luật Du lịch được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; Thông tư 34/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động du lịch trong giai đoạn mới, thể hiện quan điểm, chính sách của Ðảng, Nhà nước phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kích thích đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu về du lịch trong nước, quốc tế và phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ khi Luật Du lịch được ban hành, việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch ngày càng được cải thiện, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng cao. Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội quan tâm và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác du lịch, từng bước đưa pháp luật trong lĩnh vực du lịch vào cuộc sống. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, để công tác quản lý nhà nước về du lịch hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy báo cáo tóm tắt tại hội nghị. Ảnh: TITC

Các chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch

Giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng từ 10 triệu lên 18 triệu lượt (tăng 1,8 lần). Khách nội địa tăng từ 62 triệu lượt lên 85 triệu lượt (tăng 1,3 lần). Tổng thu từ du lịch tăng từ 401 ngàn tỷ đồng lên 755 ngàn tỷ đồng (tăng gần 1,9 lần). Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP từ 6,96% lên 9,2% (tăng 1,3 lần), tạo ra khoảng 2,9 triệu việc làm, trong đó có trên 927.000 việc làm trực tiếp.

Trong giai đoạn 2020-2022, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng đã từng bước vượt khó, khắc phục những khó khăn, thách thức để trở thành một trong những ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất cả nước.

Năm 2023, thị trường du lịch quốc tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi chung của châu Á (65%). Khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt, vượt 6,0% so với kế hoạch; Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch. Du lịch được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội đất nước năm 2023, tạo ra nền tảng để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.  

Năm 2024, Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 840 ngàn tỷ đồng. Đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có cơ sở thực hiện với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành Du lịch. Đến hết 11 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 16 triệu lượt khách quốc tế, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 105 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng.

Với các nỗ lực phục hồi và phát triển của ngành Du lịch trong những năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã 4 lần được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Tourist Board) vào các năm 2017, 2021, 2022, 2023.

Ngành Du lịch Việt Nam nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá như: 5 lần là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; 2 lần là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và 6 lần là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á; 5 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á; 3 lần là Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; và nhiều danh hiệu danh giá khác như Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á... Việt Nam đứng 3 trong top 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất (Báo cáo “Điểm nhấn Du lịch 2018” của Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương phát biểu. Ảnh: TITC

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành du lịch trong thời gian tới

Trước những yêu cầu mới đặt ra, để đạt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước, ngành du lịch đề ra các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Theo đó, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện các nội dung của Nghị quyết 08-NQ/TW; Luật Du lịch 2017 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP, Chỉ thị 08/CT-TTg, Công điện số 06/CĐ-TTg để thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Đồng thời tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Du lịch 2017 phù hợp với tình hình thực tiễn; Tổng kết Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045… Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn tại các địa phương, điểm đến du lịch trên toàn quốc. Đổi mới phương thức xúc tiến quảng bá theo hướng trọng tâm, trọng điểm kết hợp với các hình thức xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp; Tập trung khai thác các thị trường du lịch truyền thống và mở rộng các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam; Tăng cường truyền thông quảng bá trên các nền tảng số, tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch theo hướng đồng bộ, thống nhất.

Bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục - Văn phòng Quốc hội phát biểu. Ảnh: TITC

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến, tham luận của các địa phương, doanh nghiệp về những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 08 và Luật Du lịch 2017, nêu ra những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ điểm nghẽn, sửa đổi một số quy định pháp luật về du lịch để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển bứt phá trong giai đoạn mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017 đã tạo ra chủ trương vô cùng to lớn, có ý nghĩa đột phá, tạo sự chuyển biến rất mạnh mẽ của du lịch Việt Nam. Đánh giá cao các ý kiến của đại biểu dự hội nghị, Thứ trưởng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp, tiếp thu và chọn lọc bổ sung vào báo cáo để trình cấp có thẩm quyền, chuẩn bị nội dung cho năm 2025 sẽ tổng kết sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Từ đó, sẽ tiếp tục thể chế hóa bằng chính sách pháp luật và hệ thống văn bản quy phạm đi kèm; có phân cấp, phân quyền để tạo điều kiện khơi thông nguồn lực cho du lịch phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị tới đây, khi bắt tay vào sửa luật, sửa các nghị định, thông tư hướng dẫn, chúng ta cần tiếp tục lắng nghe đầy đủ các ý kiến từ phía doanh nghiệp, cộng đồng du lịch, các địa phương. Phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của ngành du lịch, có cách tiếp cận, có cơ chế, chính sách, có phương thức quản lý phát triển du lịch phù hợp với bối cảnh của đất nước ta đang vươn mình bước vào kỷ nguyên mới như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Một số hình ảnh tại hội nghị: 

Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL phát biểu. Ảnh: TITC

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 19/12/2024

Cùng chuyên mục