Nâng tầm quy mô phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh, sau thời gian triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành CNVH Việt Nam đã có sự phát triển nhất định. Đảng và Nhà nước tiếp tục nhìn nhận, đánh giá cao về vai trò của các ngành CNVH, trong đó để đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi các ngành CNVH phải có sự đồng bộ về chủ trương, thể chế, nguồn lực, tranh thủ thời cơ.
Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở nhận thức kết quả kế thừa của chiến lược cũ, xây dựng chiến lược mới đáp ứng thực tế phát triển phong phú của xã hội, thúc đẩy sự phát triển ngành CNVH với quy mô và tầm cao mới, thể hiện tầm nhìn sâu rộng hơn nữa, khẳng định được vị trí, vai trò của các ngành CNVH Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết dự thảo gồm 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 mục tiêu cụ thể, 6 định hướng phát triển, 5 ngành CNVH trọng tâm gắn với các giải pháp phát triển, tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn. Chiến lược cần phải hướng đến nâng cao nhận thức xã hội, tháo gỡ khó khăn, huy động tối đa nguồn lực cho sự phát triển. Ngoài ra xác định một số ngành CNVH trọng điểm để có cơ chế cụ thể, nguồn lực nhất định phát triển theo hướng trọng tâm, tiềm năng, thế mạnh.
Theo dự thảo, 5 ngành CNVH trọng tâm phát triển là Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Quảng cáo, Phần mềm và trò chơi giải trí, Du lịch văn hóa. Lấy ví dụ về nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Hồ An Phong nhắc đến hai chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” được tổ chức tại các tỉnh, thành phố vừa qua đã thu hút hàng chục nghìn khán giả. Đây chính là những sản phẩm cụ thể, thực tế được đưa vào thị trường, từ đó nhân dân được hưởng thụ các giá trị về văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hiện đại, qua đó đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển CNVH và kinh tế - xã hội.
Chương trình ca nhạc “Anh trai say hi” là ví dụ điển hình cho sự phát triển của ngành Nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: TITC
Đối với ngành Du lịch văn hóa được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, riêng biệt, cá biệt hóa trải nghiệm của du khách, nhằm kết nối với các ngành CNVH khác, tăng trải nghiệm cho du khách. Thông qua ẩm thực, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của các vùng, miền, địa phương tôn vinh sự độc đáo, đặc sắc của văn hóa bản địa trong các sản phẩm du lịch văn hóa. Gắn du lịch văn hóa với tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tôn vinh các giá trị con người, đất nước Việt Nam.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Trình bày báo cáo tóm tắt về dự thảo chiến lược giai đoạn mới, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, dự thảo chiến lược được xây dựng trên quan điểm phát triển CNVH Việt Nam dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa nguồn lực văn hoá, con người Việt Nam; tạo sức mạnh nội sinh, trở thành động lực quan trọng góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững đất nước.
Phát triển các ngành CNVH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội; xác định đầu tư cho các ngành CNVH là đầu tư cho sự phát triển bền vững đất nước.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành CNVH nhằm tập trung nguồn lực từ Nhà nước và xã hội để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực; khai thác các giá trị đặc trưng, tiêu biểu của vùng miền, địa phương.
Đồng thời, phát triển các ngành CNVH dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh, đa dạng hoá, liên kết ngành, đa lĩnh vực; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng miền, địa phương…
Mục tiêu tổng quát là phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành CNVH để tăng cường tính quảng bá, lan toả các giá trị văn hoá, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Về định hướng phát triển, các ngành CNVH Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với hội nhập quốc tế, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa văn hoá, kinh tế, xã hội. Đồng thời, phát triển CNVH nằm trong tổng thể các chiến lược, quy hoạch quốc gia.
Phát triển các ngành CNVH dựa trên tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa, đột phá phát triển, để các sản phẩm CNVH đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng. Đặc biệt, phát triển các ngành CNVH góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng và khẳng định thương hiệu đối với các sản phẩm CNVH chất lượng cao mang bản sắc văn hoá Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, dự thảo Chiến lược nêu rõ cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư; ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển thị trường và sản phẩm; hợp tác quốc tế; tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp phát triển các ngành CNVH trong giai đoạn tiếp theo.
Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam góp ý tại hội thảo. Ảnh: TITC
Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam dự thảo đã đưa ra nhiều định hướng, giải pháp cụ thể, tuy nhiên để Chiến lược phát huy hiệu quả, bà Phương Lan cho rằng cần xác định trọng tâm, giải pháp tránh dàn trải dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Trong cơ chế hợp tác đầu tư lĩnh vực điện ảnh cần bổ sung cơ chế hợp tác công tư, sử dụng nguồn kinh phí xã hội; liên kết với các ngành CNVH khác từ đó phát triển liên thông gắn kết với nhau. Ngoài ra về các chỉ tiêu mà dự thảo đặt ra cũng cần cân nhắc dựa trên số liệu thống kê để từ đó đưa ra con số cụ thể.
Để Việt Nam phát triển CNVH cần có sự đóng góp của doanh nghiệp, trên cơ sở hợp tác công tư, tăng cường phối hợp với các Bộ, Ban, ngành liên quan, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng phát triển các ngành CNVH theo các vùng kinh tế trọng điểm trước mắt nên tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Trung tâm Thông tin du lịch