Tìm giải pháp phát triển kinh tế di sản từ thực tế tỉnh Quảng Ninh
Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cả nước. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền…
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cho biết, Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với nhiều tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ, địa chất, địa mạo, di sản Yên Tử gắn với Phật phái Trúc Lâm, mạng lưới 630 di tích lịch sử - văn hóa… Những yếu tố này không chỉ tạo cơ hội phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn tạo nền tảng xây dựng một nền kinh tế di sản bền vững.
Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”. Ảnh BTC
Ông Vũ Đại Thắng đồng thời cho biết, Quảng Ninh đã đặt ra các định hướng phát triển bền vững và giải pháp chiến lược. Trong đó, tập trung bảo tồn di sản bền vững; phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và quản lý du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa và lịch sử để nâng cao trải nghiệm của du khách. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển các sản phẩm mới và đổi mới, nâng cao sản phẩm du lịch sẵn có; phát triển các loại hình du lịch sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
“Mong rằng thông qua hội thảo sẽ bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới cũng như những kinh nghiệm quý báu về phát triển kinh tế di sản và định hướng phát triển kinh tế di sản ở tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp tại hội thảo cũng sẽ là các luận chứng xác đáng, thực tiễn sinh động góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh” - ông Vũ Đại Thắng kỳ vọng.
Phát biểu chỉ đạo và đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, thời gian qua, các di sản văn hóa và thiên nhiên đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Với quốc tế, các di sản góp phần lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ở trong nước, các di sản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, bên cạnh những kết quả to lớn, rất đáng tự hào đó, ở một số nơi, vai trò của di sản là nguồn lực và động lực cho phát triển chưa được nhận thức đầy đủ; chưa xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nhất là trong liên kết vùng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về cơ bản vẫn được xem là một nhiệm vụ của ngành văn hóa. Nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên còn hết sức hạn chế. Giá trị kinh tế của di sản chưa được xem xét một cách thỏa đáng. Cách tiếp cận liên ngành kinh tế học di sản đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên còn chưa được quan tâm đúng mức.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh (thứ 3 từ phải sang) tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Tháo gỡ những điểm nghẽn, phát huy các giá trị di sản cho phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Quảng Ninh”. Ảnh BTC
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sáng tỏ nhận thức về kinh tế di sản là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của các chủ thể trong phát triển kinh tế di sản; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về nguồn lực phát triển kinh tế di sản. Làm sâu sắc hơn những kinh nghiệm phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh có thể nhân rộng ra cả nước. Đề xuất, kiến giải pháp góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản; rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ nhiều góc nhìn khác nhau cho các địa phương trong cả nước, góp phần xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng”.
Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau, với gần 80 bài tham luận. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo.
Thảo luận trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề xung quanh khái niệm, vị trí, vai trò, những yếu tố ảnh hưởng và kinh nghiệm các địa phương và quốc gia trên thế giới trong phát triển kinh tế di sản - động lực tăng trưởng quan trọng trong xu thế phát triển xanh trên thế giới. Các đại biểu cũng phân tích thực trạng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, đánh giá thành tựu, hạn chế cùng các nguyên nhân của các thành tựu, hạn chế đó. Từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra, phát hiện những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản trong phát triển kinh tế di sản.
Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cả nước. Ảnh BTC
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị Quảng Ninh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện và bổ sung các văn bản luật, quy chế, quy định ở cấp quốc gia và các cấp chính quyền địa phương để bảo vệ đầy đủ cho di sản thế giới. Xây dựng các kế hoạch quản lý phù hợp với sự tham gia của các bên liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản; đổi mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ kết hợp di sản; đầu tư nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cho bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Nghiên cứu giải quyết mối quan hệ liên vùng, liên cấp, liên ngành trong quản trị địa phương…
Tham gia phiên thảo luận “Tháo gỡ những điểm nghẽn, phát huy các giá trị di sản cho phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Quảng Ninh”, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ về tình hình phục hồi và phát triển của ngành du lịch thời gian qua. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế du lịch trong thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời đưa ra những góc nhìn vĩ mô về cơ chế, chính sách và các giải pháp kết nối du lịch với di sản. Đây là khía cạnh then chốt để biến di sản thành động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho các địa phương khác.
Bế mạc hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình đã ghi nhận ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý. Ông Nguyễn Hải Bình cho biết, những nội dung của các tham luận, những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu sẽ được chắt lọc, gửi đến các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới cơ chế, chính sách để Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung phát triển hiệu quả kinh tế di sản. Qua đó, góp phần tạo động lực tăng trưởng mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trung tâm Thông tin du lịch