Hưng Yên tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến năm 2022 nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch; ông Đỗ Văn Kiểm và ông Phạm Văn Hiệu, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên; bà Nguyễn Thị An, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên); cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành các tỉnh, thành: Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội; các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Các đại biểu chủ trì Hội nghị (Ảnh: TITC)
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên cho biết, Hưng Yên là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, từng được ví như một “Tiểu Tràng An” của Việt Nam với 23 phố phường. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.802 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 03 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên và chùa Thái Lạc huyện Văn Lâm), 175 di tích cấp quốc gia, 257 di tích cấp tỉnh và 5 bảo vật quốc gia cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị để khai thác nhằm phát huy truyền thống văn hóa và phát triển du lịch.
Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên phát biểu đề dẫn tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Ngoài ra, Hưng Yên còn có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu Chèo, ca Trù, Trống quân... mượt mà đằm thắm. Hưng Yên còn có các làng nghề truyền thống như: làng đúc đồng Lộng Thượng, làng chạm bạc Huệ Lai, làng nghề mây tre đan, dệt thảm, làng nghề làm hương xạ Cao Thôn, nghề đan đó, dọ Thủ Sỹ, nghề làm tương Bần… Nói đến Hưng Yên không thể quên được nhãn lồng Phố Hiến, cùng nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng khác như: hạt sen, chè hạt sen long nhãn, cam đường canh, bún thang thế kỷ, ếch om Phượng Tường, tương bần, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, bánh cuốn… đều là những sản phẩm để thu hút khách du lịch đến Hưng Yên.
Trong thời gian qua, Hưng Yên đã có những nỗ lực nhất định trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Hưng Yên đã được chú trọng hơn trước thông qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh; các hội chợ triển lãm du lịch, đồng thời liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong vùng nói riêng. Vì vậy, hình ảnh và sản phẩm du lịch của Hưng Yên ít nhiều đã đến được với du khách trong và ngoài nước, ông nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TITC)
Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho hay, cơ cấu sản phẩm du lịch của Hưng Yên còn hạn chế về loại hình cũng như tài nguyên, hiện tại du lịch tỉnh chủ yếu tập trung khai thác ở các loại hình như: du lịch sinh thái (khu Ecopark), du lịch văn hóa, trải nghiệm tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, du lịch văn hóa tâm linh gắn với bề dày về di sản, văn hóa, di tích lịch sử độc đáo của các cộng đồng dân cư...
Vì vậy, “Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch tỉnh Hưng Yên năm 2022” được tổ chức nhằm đánh giá, khai thác hợp lý các tiềm năng du lịch của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá; đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh; xác định, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, triển khai các nhiệm vụ kích cầu du lịch, góp phần vực dậy ngành du lịch Hưng Yên sau đại dịch Covid-19.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho biết, Hưng Yên là tỉnh giáp ranh với Hà Nội, đây vừa là lợi thế cũng là hạn chế. Tuy lượng khách tới Hưng Yên gần đây có tăng nhưng không cao và phần lớn là khách từ nội thành Hà Nội. Chính vì vậy, Hưng Yên cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá mạnh mẽ hơn các điểm đến để thu hút khách du lịch tới Hưng Yên nhiều hơn trong thời gian sắp tới.
Nổi bật hiện nay là Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, một địa điểm thu hút lượng lớn khách tham quan từ khắp mọi nơi tới đây chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm Bát Tràng truyền thống và lắng nghe những câu chuyện đằng sau mỗi tuyệt tác này. Đây sẽ là một sự kết nối tuyệt vời cùng với khu đô thị Ecopark để thu hút du khách tới Hưng Yên nghỉ dưỡng cuối tuần, Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhấn mạnh.
Hưng Yên vẫn còn rất nhiều địa điểm nổi bật khác cần quan tâm đầu tư như phố Hiến, nơi chứa đựng tiềm năng phát triển loại hình du lịch ẩm thực, đêm kinh kỳ - phố Hiến,... Ông Phương đề nghị ngành du lịch Hưng Yên cần nắm bắt kịp thời xu hướng du lịch mới, từ đó đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh của tỉnh để khách du lịch có thể biết tới nhiều hơn và tìm tới Hưng Yên, xây dựng những chương trình tour đa dạng hơn, phát triển chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng cụ thể.
Đồng tình với ý kiến của Vũ trưởng Vụ Lữ hành, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng du lịch cần gắn với nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, góp phần nâng cao đời sống tinh thần con người. Vì vậy, ông Hưng đề nghị Sở VHTTDL trong thời gian sớm nhất tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, tham mưu tỉnh về việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển, quảng bá du lịch. Cùng với đó, kết hợp với các doanh nghiệp xây dựng các tour, tuyến điểm, sản phẩm du lịch đặc trưng; đẩy mạnh công tác truyền thông, tích cực giới thiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh tới các cơ quan truyền thông trung ương.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)
Cũng trong buổi Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp lữ hành đã có những chia sẻ tâm huyết trong hoạt động xúc tiến điểm đến Hưng Yên năm 2022.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt đã giới thiệu hai chương trình trải nghiệm mới được phát triển, đó là Hành trình trải nghiệm nhập vai “Tôi làm nghệ nhân” và Hành trình trải nghiệm tinh hoa từ thân - tâm - tuệ “Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng”. Đồng thời đã diễn ra Lễ công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt của UBND tỉnh Hưng Yên và Lễ ký kết hợp tác du lịch giữa các đơn vị, doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và Hưng Yên.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt nhận bằng công nhận là Điểm du lịch từ UBND tỉnh Hưng Yên (Ảnh: TITC)
Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và Hưng Yên ký kết Biên bản hợp tác (Ảnh: TITC)
Đoàn khảo sát thăm Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch