Huổi Chát (Lai Châu) phát triển du lịch cộng đồng
Chúng tôi có chuyến công tác tới bản Huổi Chát những ngày cuối tháng 8. Trên cung đường dẫn lên bản, ấn tượng đầu tiên chúng tôi gặp là Thủy điện Lai Châu. Dưới ánh nắng vàng xuộm, Thủy điện Lai Châu với 5 cửa xả nước đang tung bọt trắng xóa, hơi nước bốc cao như từng cụm mây trắng bao quanh lấy hệ thống đập và quấn quanh sườn núi. Đây là công trình thủy điện lớn cuối cùng của Việt Nam được khai thác trên dòng chính sông Đà với tổng mức đầu tư hơn 35 nghìn tỷ đồng. Trước khung cảnh hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ ấy, anh em trong đoàn công tác chúng tôi cùng nhiều du khách đến với bản đã không thể bỏ qua việc nhanh tay bấm máy, ghi lại những khoảnh khắc hiếm có trên công trình thủy điện mang tầm vóc quốc gia này.
Rời thủy điện, chúng tôi chạy xe theo những con đường trải nhựa phẳng lỳ, men theo các triền núi hơn 12km lên trung tâm bản Huổi Chát. Phóng tầm mắt ra xa xa là một màu xanh bất tận. Xen lẫn trong màu xanh bạt ngàn ấy thấp thoáng những mái nhà trình tường của bà con dân tộc Mông. Hệ thống cổng chào ngay đầu bản được làm bằng gỗ và sắt, có mái che lợp ngói, cổng sơn màu đỏ, có biển ghi dòng chữ: Huổi Chát kính chào quý khách bằng 2 thứ tiếng: Việt và Anh nghe rất dễ gần, thể hiện sự mến khách của bà con nơi đây. Bên cạnh đó, những khóm hoa vàng, đỏ, trắng, trồng xen kẽ hai bên đường và những khu vui chơi, trưng bày sản vật, ẩm thực… quanh bản.
Chúng tôi dừng chân trong ngôi nhà Trưởng bản Chá Vả Sùng, rót chén chè tươi mời khách, anh Sùng hồ hởi cho biết, bản có 100% là dân tộc Mông sinh sống, 121 hộ gia đình được chia thành 2 điểm bản tựa lưng vào núi. Những năm qua, nhà nhà tham gia làm du lịch, bà con đồng lòng, chung sức xây dựng bản thành bản văn hóa du lịch, nên chỉ sau 3 năm, bộ mặt nông thôn Huổi Chát đã thay da đổi thịt. Đặc biệt, những ngôi nhà tạm, tranh tre nứa lá năm xưa, giờ thay bằng nhà gỗ khang trang sạch đẹp.
Thủy điện Lai Châu - một trong những điểm nhấn thu hút du khách khi đến bản Huổi Chát.
Huổi Chát xưa nghèo lắm, bà con nơi đây quen với việc trồng lúa, ngô, lên rừng hái lượm củ măng, củ mài… đem bán theo thời vụ. Lao động quần quật quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn, đời sống vất vả, ai cũng mong muốn có một hướng đi mới để phát triển kinh tế... Khó khăn là thế xong bà con nơi đây không hề cam chịu, qua công tác tuyên truyền hướng dẫn của các cấp uỷ, chính quyền huyện, xã, sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, bà con Huổi Chát đã được tiếp cận với nhiều mô hình phát triển kinh tế mới. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch thuận lợi, từ vị trí địa lý đến không gian cộng đồng và bản sắc văn hóa đang dạ, phong phú, Huổi Chát đã quyết tâm làm du lịch. Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân thì bà con nơi đây đã biết hướng tới việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Bắt tay vào xây dựng bản du lịch, Huổi Chát có cách làm khá hay, ngoài nguồn đầu tư hỗ trợ của xã, huyện, bà con đã thống nhất đóng góp mỗi gia đình 1 triệu đồng/năm trích từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng để xây dựng đường bê tông quanh bản, xây nhà chòi, hệ thống điện chiếu sáng, không gian trưng bày các dụng cụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông như: Nỏ, súng, khèn, cối giã gạo, trang phục dân tộc… Từ năm 2017 đến nay, bản đã huy động được gần 300 triệu đồng, hàng trăm ngày công lao động xây dựng 2 khu sân chơi thể thao rộng hơn 2.000 mét vuông, đồng thời thường xuyên tổ chức thu gom rác thải, vệ sinh môi trường định kỳ 3 lần/tháng. Thành lập đội văn nghệ quần chúng thường xuyên tập luyện các tiết mục dân ca, dân vũ để phục vụ du khách khi đến bản.
Nói như trưởng bản Chá Vả Sùng, du khách tới với Huổi Chát, ngoài những món đặc sản rau rừng sẽ được thưởng thức thịt gà đen, lợn cắp nách... Bản đang hướng dẫn người dân trồng thêm hoa Phong lan, Hướng dương, Cúc để tạo cảnh quan, tạo đà cho bà con phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng homestay…
Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Văn Cốc – Bí thư Đảng ủy xã Nậm Manh cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con bản Huổi Chát phát triển du lịch, xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình giao thông, trường học, trụ sở làm việc, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để bà con nhận thức đúng về chủ trương xây dựng nông thôn mới, từ đó giúp nhau cùng thực hiện.
“Để phát triển du lịch thành công và bền vững không chỉ ở Huổi Chát mà còn ở các địa phương có tiềm năng du lịch của xã, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với ngành chức năng, tăng cường mở các lớp tập huấn cho người dân về cách làm dịch vụ homestay; kết nối với các công ty du lịch quảng bá các điểm đến, sản phẩm văn hóa cũng như sản vật tại địa phương. Đồng thời, chú trọng công tác lãnh, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã về nội dung, phương pháp, cách làm và cơ chế chính sách liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng, cũng như lợi thế mà loại hình này mang lại” - Ông Phan Văn Cốc – Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm.
Kinh doanh dịch vụ, phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa là hướng đi mới, tin rằng trong thời gian không xa, bằng lòng quyết tâm, tinh thần học hỏi và niềm say mê của người dân bản Huổi Chát, điểm du lịch này sẽ thu hút đông đảo khách tham quan, khám phá, từ đó đưa Huổi Chát vững bước phát triển.
Tuấn Hùng