Huyện Thường Xuân (Thanh Hóa): Đầu tư phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng
Nông trại Golden Cow (xã Lương Sơn).
Bên cạnh đó, Thường Xuân còn có hệ thống các hang động, thác nước đẹp; nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng Ngàn, Khu di tích Hội thề Lũng Nhai; nhiều làng bản người Thái còn giữ được nét nguyên sơ và bản sắc văn hóa truyền thống, như bản Vịn, xã Bát Mọt... Nguồn tài nguyên đa dạng này là cơ sở để huyện Thường Xuân xây dựng và khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái - cộng đồng vốn ngày càng được quan tâm và ưa thích.
Để làm căn cứ pháp lý cho việc khai thác, phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thường Xuân đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 30/3/2016, về phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, UBND huyện Thường Xuân đã xây dựng Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15/1/2018, về việc triển khai xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Để xây dựng đề án này, huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát hai địa điểm là bản Vịn (xã Bát Mọt) và thôn Thanh Xuân (xã Xuân Cẩm). Đồng thời, đánh giá và thực hiện quy hoạch các điểm di tích tâm linh gồm Đền thờ Trời, Pú Pen, Đền thờ Cầm Bá Hiển (xã Vạn Xuân), kết nối với Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt và Khu Di tích lịch sử văn hóa Hội thề Lũng Nhai.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng hoàn thiện công trình đường ven hồ, từ trung tâm đón khách Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, lên trạm Sông Khao; đường vào thác Yên; đường vào thác Thiên Thủy; xây dựng trạm phát sóng Vinaphone phủ sóng khu vực lòng hồ Thủy lợi Thủy điện Cửa Đạt. Đồng thời, hoàn thiện đưa vào sử dụng trạm đón khách Sông Khao, có thể phục vụ cùng lúc khoảng 60 khách ăn nghỉ; đầu tư phương tiện chuyên chở khách tham quan lòng hồ, thác Yên, với 12 xuồng composite, 3 thuyền vỏ sắt. Ngoài ra, bằng các nguồn xã hội hóa hợp pháp, huyện đã đầu tư hàng tỷ đồng để hoàn chỉnh hạ tầng, đồ thờ, sân gạch trong Khu Di tích lịch sử đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn.
Để thu hút du khách về với Thường Xuân quanh năm, thay vì mùa cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, địa phương đã tích cực thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo đó, huyện Thường Xuân đã chủ động đấu mối với Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với các điểm tham quan trên địa bàn. Đồng thời, tham gia quảng bá tiềm năng du lịch Thường Xuân tại Hội chợ du lịch Quốc tế VITM - Hà Nội; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng các phóng sự, video giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch... Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với du lịch, điển hình là chỉ dẫn địa lý cây quế ngọc và sản phẩm từ quế Thường Xuân; mật ong Xuân Liên; thuốc nam chữa bệnh...
Về định hướng lâu dài, để du lịch phát triển bền vững, không thể không chú trọng đến đội ngũ nhân lực. Đây cũng là nhiệm vụ được huyện Thường Xuân đặt ra, như là nhân tố quyết định hiệu quả phát triển du lịch trên địa bàn. Theo đó, huyện đã cử một số cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm. Từ đó, nâng dần kỹ năng, nghiệp vụ quản lý du lịch, quản lý di tích, nghiệp vụ hướng dẫn viên...
Song song với việc phát triển du lịch, huyện cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; trồng cây xanh, cây có hoa ở các tuyến đường xây dựng các điểm du lịch; trồng cây xanh ở khu vực rừng phòng hộ, vườn sinh thái, các khu di tích lịch sử văn hóa; thực hiện thu gom và xử lý rác thải tại các khu, điểm du lịch...