Hoạt động của ngành

Lào Cai: Cơ hội để du lịch bứt phá

Cập nhật: 30/12/2019 08:31:17
Số lần đọc: 722
Thực tế những năm qua cho thấy, ngành du lịch Sa Pa đã có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trở thành thị xã từ ngày 1/1/2020, Sa Pa sẽ có nhiều cơ hội để khai thác tối đa tiềm năng về lĩnh vực này.


Sa Pa luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Giàu tiềm năng

Trước khi thành lập tỉnh Lào Cai, Sa Pa đã được biết là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch khi Công sứ tỉnh Lào Cai - Toures đề xuất ý tưởng xây dựng ở nơi đây một trại điều dưỡng cho người Pháp vào năm 1909. Năm 1910, trên Tạp chí Đông Dương, tác giả Hautefeuille viết: “Tôi hoàn toàn bị quyến rũ ngay từ chuyến đi Sa Pa lần đầu tiên. Con đường dẫn đến Sa Pa chạy qua khu vực có phong cảnh tuyệt đẹp. Hai phần ba quãng đường xuyên rừng với vẻ đẹp hiếm thấy… Thung lũng giữa dãy Fansipan và cao nguyên Sa Pa (còn gọi là cao nguyên Lồ Suối Tủng) đẹp như thể thung lũng của dãy Pyrenees ở Tây Ban Nha…”. Từ ý tưởng đó, Sa Pa đã được xây dựng, khẳng định mình, trở thành Khu Du lịch quốc gia vào cuối năm 2017.

Ngày nay, nhắc đến Sa Pa, du khách có thể nghĩ đến đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương - với hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới, được nhận kỷ lục Guinness thế giới về cáp treo 3 dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và cáp treo 3 dây dài nhất thế giới (6.292,5 m). Tại đây còn có quần thể công trình tâm linh được Sun Group đầu tư quy mô, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá, vãn cảnh của du khách. Sa Pa luôn được du khách yêu mến mệnh danh là “thành phố trong sương” với khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây có danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Sa Pa và những bản làng dân tộc thiểu số giàu bản sắc cùng nhiều sản vật, món ăn đặc trưng. Sa Pa cũng là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với nhiều điểm đến hấp dẫn, như khu du lịch núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, thác Tình yêu - suối Vàng…Nắm rõ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhiều năm qua, huyện xác định tập trung đầu tư, phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ chủ trương đó, hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch luôn được tỉnh quan tâm kêu gọi thu hút đầu tư, mở rộng tạo bước phát triển mới cho du lịch Sa Pa. Từ khi Sa Pa được công nhận là Khu Du lịch quốc gia, nhiều doanh nghiệp “rót” hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, khách sạn 4 - 5 sao, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn huyện Sa Pa đã có 33 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản với tổng vốn hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó có một số nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính cũng như uy tín như các tập đoàn Bitexco, Sun Group, Vingroup, Trường Giang Sa Pa Group, Công ty Cổ phần Đầu tư Indochina… Số dự án trong lĩnh vực khách sạn ngày càng gia tăng với nhiều cơ sở lưu trú cao cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Biến tiềm năng thành hiện thực

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du lịch Sa Pa phát triển mạnh nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng hiện có. Hiện tại, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa còn thiếu nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp, thời gian lưu trú của khách du lịch ngắn, mức chi tiêu thấp… Nhiều hạng mục chưa được quy hoạch đồng bộ, đặc biệt là những giá trị văn hóa, nhân văn.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa, toàn huyện hiện có 690 cơ sở lưu trú du lịch (390 nhà nghỉ, khách sạn tại thị trấn và 300 homestay tại các xã). Trong đó có 2 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 30 khách sạn từ 1 sao đến 3 sao, còn lại là nhà nghỉ, tổng số 8.000 phòng. Ngoài ra, Sa Pa còn có 275 nhà hàng lớn nhỏ và 64 nhà hàng trong các khách sạn với công suất hơn 4.000 khách/lượt, phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của du khách. Như vậy, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cao cấp của Sa Pa chiếm tỷ lệ rất thấp; lĩnh vực du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe và phát huy giá trị kiến thức dược liệu bản địa vẫn chưa được chú trọng đầu tư.

Trong 11 tháng năm 2019, Sa Pa đón 2,9 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế đạt 359.000 lượt). Dự kiến đến hết năm 2019, Sa Pa sẽ thu hút hơn 3,2 triệu lượt khách, tăng 594.000 lượt so với năm 2018; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 8.124 tỷ đồng. Huyện Sa Pa phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ đạt hơn 3,5 triệu lượt khách; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 11.160 tỷ đồng; số ngày lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày/khách. Dự báo, con số này còn tăng khi Sa Pa chính thức trở thành thị xã từ ngày 1/1/2020.

Khi trở thành thị xã, Sa Pa sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh, nét đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa rộng rãi hơn đến với du khách trong và ngoài nước, điều đó sẽ tạo sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Sa Pa có thể được phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và không phải kêu gọi đầu tư như các địa phương khác. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các nguồn lực dành cho du lịch sẽ lớn hơn, tập trung hơn. Được nâng cấp lên thị xã đồng nghĩa với việc Sa Pa có bộ máy chính quyền đô thị, đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của Sa Pa và phục vụ người dân, du khách được tốt hơn.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa cho biết: Trong thời gian tới, ngành du lịch huyện sẽ xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Đề án phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế giai đoạn 2020 - 2025; tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và cấp biển hiệu “Cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch” cho các cửa hàng và nhà hàng trên địa bàn thị xã. Khai thác, phát triển sản phẩm nghề truyền thống các dân tộc Sa Pa thành quà lưu niệm phục vụ du khách; đầu tư tái tạo cảnh quan, không gian tại điểm du lịch cộng đồng; phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên...

Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa khẳng định: Trước đây, Sa Pa chủ yếu tập trung phát triển du lịch cảnh quan và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để phát triển du lịch xứng tầm với thị xã, thời gian tới, địa phương sẽ rà soát, quy hoạch lại, đảm bảo các yêu cầu trong giai đoạn mới của Khu Du lịch quốc gia mang tầm quốc tế. Trong đó, hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo, như du lịch cảnh quan gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên; phát triển du lịch tâm linh, di tích, danh thắng; gắn bảo tồn với phát triển du lịch văn hóa bản địa; du lịch nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe trên cơ sở phát huy các nguồn dược liệu và giá trị kiến thức dược liệu bản địa. Ngoài ra, Sa Pa sẽ phát triển một số sản phẩm du lịch hiện đại… qua đó khai thác toàn diện, có định hướng, có chiến lược để thúc đẩy du lịch Sa Pa phát triển xứng tầm./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục