Non nước Việt Nam

K'Bess - một thanh âm rền vang giữa núi rừng Nam Tây Nguyên

Cập nhật: 07/08/2020 09:20:18
Số lần đọc: 804
Ít ai ngờ rằng đôi tay ôm vô lăng để phục vụ những chuyến đi của Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Lâm Hà lại là một nghệ nhân ưu tú; từng vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Lâm Đồng và đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản phi vật thể của dân tộc vào tháng 3/2019. 


K’Bess bên trong ngôi nhà chứa đựng bảo vật của bao thế hệ ở huyện Lâm Hà

 

Đó là nghệ nhân K’Bess (sinh năm 1963) được ví như một thanh âm rền vang giữa núi rừng Nam Tây Nguyên. K’Bess là một tài xế, nhưng điều bất ngờ hơn là anh lại phụ trách thêm mảng văn hóa dân gian của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà. Được tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng như vậy là có lí do của nó. Trước đây K’Bess đã từng là một tay trống của dòng nhạc jazz, thành thạo guitar, và đặc biệt hơn tiếng chiêng của anh đã ngân vang dọc miền đất nước. 

Đam mê tiếng chiêng từ nhỏ, khi chỉ mới là cậu bé K’Bess đã được truyền dạy từ người cha của mình và các cao niên trong xóm. Thuở đó, thuở mà K’Bess mới tập tễnh với chiêng Thết (chiêng 6 của người K’Ho) rồi dần dà với chiêng Trơ (chiêng 5), chiêng NDol (chiêng 4), chiêng N’Dơn (chiêng 3), chiêng Rơn hoai (chiêng 2), chiêng Cing - me (chiêng 1), để rồi bây giờ có thể chơi tất cả các bộ chiêng của dân tộc mình. Những bài bản ngân vang các điệu chiêng ấy là: đuổi con thú rừng, đuổi con chim ăn lúa, nấu canh bằng ống lồ ô, đi săn nai, giao lưu giữa các anh em dân tộc K’Ho, đón khách giữa đất trời Lâm Hà.

K’Bess cho rằng với tiếng chiêng mình chỉ là thế hệ trẻ, các cụ cao niên ở địa phương đến nay có người đã về với núi rừng, có người sức khỏe yếu, khó có thể truyền dạy cho con cháu nên chính mình là thế hệ tiếp nối phải có trách nhiệm truyền đạt lại tiếng chiêng cho thế hệ trẻ. Từ năm 2006 anh đã trực tiếp đứng lớp truyền đạt cho hơn 90 thanh niên nam nữ ở địa phương các điệu chiêng. Mỗi lớp học thường kéo dài từ 30 đến 45 ngày, nhưng với dung lượng thời gian này thì chỉ truyền dạy được 2 điệu chiêng. 

K’Bess cho hay: Có nhiều khó khăn trong công tác truyền đạt các điệu chiêng. Thứ nhất là tìm được người đam mê và phải sắp xếp một khoảng thời gian khá dài để theo học. Thứ 2 là việc chọn được một đội chiêng nam được học bài bản nhưng việc tập hợp được họ đi biểu diễn là rất khó, vì thực tế một số người lấy vợ nên theo gia đình vợ đến các địa phương khác sinh sống. Vì vậy, mỗi lần đi biểu diễn chúng tôi chỉ tập hợp được đội chiêng của nữ ở địa phương, còn đội chiêng nam thì mỗi người một nơi.

Nhưng không vì lý do đó mà K’Bess hết đam mê, hết nguồn cống hiến, vì ngay chính gia đình của K’Bess đã bao đời ngân vang tiếng chiêng. 

Trong căn nhà gỗ ngả màu vì mưa nắng, kỷ vật của gia đình là bộ chiêng được K’Bess gìn giữ như một báu vật. 

Cha anh, nghệ nhân Duôn Dai Bát đã về với thăm thẳm núi rừng nhưng lời dặn giữ mãi tiếng chiêng luôn được con cái ghi nhớ. Những chuyến đi biểu diễn dọc miền đất nước với cha luôn là kỷ niệm đã hằn sâu vào tâm trí K’Bess. 

Đứng lớp, số tiền thù lao không đáng là bao nhưng K’Bess vẫn cố gắng duy trì đều đặn giờ học. Vì theo anh được ngân mãi tiếng chiêng giữa núi rừng là thù lao hậu hĩnh mà cuộc đời đã dành tặng cho mình. Không chỉ đam mê tiếng chiêng, điều làm K’Bess hoài niệm, tiếc nuối và cố công học hành đó chính là việc chỉnh chiêng. Vì chỉnh chiêng là một công việc rất khó, đòi hỏi đến đôi tai thẩm âm tài tình của người nghệ nhân. 

Đi đến các cụ cao niên để học cách chỉnh chiêng là ước nguyện tiếp theo của K’Bess, đa số các cụ đã già cả nên khả năng truyền dạy nhiều lúc còn hạn chế. Mặt khác, đôi khi K’Bess phải sắm lễ lược để đến xin hầu chuyện chỉnh chiêng cùng với các cụ. Anh phải dốc hết ruột gan khi nói về ước nguyện của mình là muốn bảo tồn, phát huy và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp không chỉ về việc đánh chiêng mà còn chỉnh chiêng. Chứ anh không giữ riêng cho mình, khi ấy các cụ mới thấu hiểu và tận tình chỉ dạy. 

Với K’Bess đời người là những chuyến đi. Anh đi nhiều, bằng chính đôi tay ôm vô lăng của mình. Và cũng chính đôi tay ấy đã mang tiếng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Hà đi từ Tây Nguyên xuống địa phần Trung Bộ, thậm chí ra Thủ đô để tiếng chiêng đại ngàn rền vang. 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT