Non nước Việt Nam

Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng - Ngày hội của ngư dân

Cập nhật: 07/08/2020 10:30:34
Số lần đọc: 825
Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 3/2016. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 trong nước đang diễn biến phức tạp nên Ban tổ chức lễ hội huyện đã không tổ chức phần hội như mọi năm. Huyện chỉ thực hiện nghi thức cúng tại Lăng Ông Nam Hải. Việc thờ cúng cá Ông, tiên sư tổ nghiệp nghề cá được xem là nét văn hóa trong tín ngưỡng của người dân miền biển, tôn vinh nét đẹp trong lao động của nghề đánh bắt thủy hải sản.

Lễ hội Nghinh ông năm nay không tổ chức phần hội. Ảnh: N.Hải
Cầu mong điều tốt đẹp
 
Bến Tre có 65km bờ biển. Ngư nghiệp là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của các địa phương vùng biển nói riêng, cả tỉnh nói chung. Điều kiện, phương tiện đánh bắt thủy sản ngày càng được cải tiến, phát triển theo hướng hiện đại, tiện lợi hơn và tục lệ tín ngưỡng, thờ cúng cá Ông, tưởng nhớ tổ nghiệp nghề cá vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ của cư dân miền biển.
 
Theo tài liệu Di sản Văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ấn hành năm 2009, Lăng Ông Nam Hải được xây dựng hoàn thành vào ngày 19-7-1951 (nhằm ngày 16-6 âm lịch năm Tân Mão), theo nguyện vọng của ngư dân nơi đây. Từ đây, Lễ hội Nghinh Ông cũng bắt đầu được tổ chức với quy mô mở rộng, do chính quyền và người dân địa phương cùng thực hiện. Lễ hội được diễn ra từ ngày 15 đến 17-6 âm lịch hàng năm, trong đó, ngày 16-6 là ngày chính.
 
Ở tuổi 80, ông Phạm Đại (người dân địa phương kính trọng gọi ông là ông Năm). Ông Năm gần 60 năm tham gia vào Ban Khánh tiết coi sóc lăng Ông Nam Hải. Hiện ông là Trưởng ban. Ông Năm giới thiệu, tại Lăng, ngoài phần chánh điện thờ Ông (cá Ông Nam Hải), còn có các gian thờ: Tiên sư tổ nghiệp sáng lập nghề cá, Tiền hiền, Hậu hiền (những thế hệ kế thừa)… Lễ hội Nghinh Ông là tín ngưỡng dân gian, để người dân cầu nguyện cho “mưa thuận gió hòa”, “quốc thái dân an”, cầu cho nghề đánh bắt thủy sản được thuận lợi, an cư lạc nghiệp, nhà nhà yên vui…
 
“Đây còn là dịp để các thế hệ con cháu nhớ ơn tổ nghiệp nghề cá, các thế hệ tạo dựng nên nghề cá đến nay. Qua đó, để tiếp tục đoàn kết, phấn đấu giữ gìn và phát triển hơn trong hoạt động ngư nghiệp, ổn định kinh tế gia đình và địa phương”, ông Năm bày tỏ.
 
Cô Lê Thị Hương - một ngư dân ấp 3, xã Bình Thắng chia sẻ, gia đình cô đã có hơn 30 năm sống cùng “nghề biển” (đánh bắt thủy hải sản). Tất cả các thành viên trong gia đình đều tham gia. Đều đặn mỗi năm, cô đại diện gia đình đến viếng, thắp hương và dâng hoa quả tại Lăng Ông Nam Hải để thể hiện lòng thành kính với các tổ nghiệp nghề biển, cầu nguyện cho gia đình mình và những người dân miền biển làm ăn thuận lợi.
 
Phát huy giá trị di sản
 
Thông lệ hàng năm, nghi thức Nghinh ông sẽ được các tàu thuyền thực hiện ngoài biển vào lúc sáng sớm. Sau đó, sẽ tổ chức lễ cúng tại Lăng Ông Nam Hải. Ngoài ra, có các phần hội như: hát bội, múa lân, thi nấu ăn, trò chơi dân gian… với hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến viếng, thắp hương và tham gia lễ hội. Tuy nhiên, do hiện nay tình hình dịch Covid-19 trong nước đang diễn biến phức tạp nên tạm dừng phần hội, chỉ thực hiện nghi thức cúng tại Lăng Ông Nam Hải.
 
Ông Lư Văn Nhường - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Đại cho biết: Mặc dù phải tạm dừng phần hội để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19, nhưng phần lễ cúng tại Lăng ông Nam Hải vẫn được thực hiện. Các quan khách, người dân các nơi vẫn đến viếng và thắp hương theo từng lượt, hạn chế số lượng đông người đảm bảo điều kiện phòng chống dịch. Ngoài ra, ngư dân cũng thực hiện cúng tại nhà. Phần nghi thức cúng vẫn được đảm bảo, tiếp tục gìn giữ nét văn hóa tín ngưỡng dân gian người dân miền biển, cũng như giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng.
 
Hoạt động ngư nghiệp trên địa bàn xã Bình Thắng cũng được tiếp tục quan tâm ổn định, phát triển. Thông tin từ UBND xã Bình Thắng, trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng đánh bắt thủy sản ước khoảng 25,7 ngàn tấn tôm, cá các loại, đạt hơn 36,7%, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 6,4 ngàn tấn. Đa số ngư dân đều có lãi nhưng không cao. Cảng cá và các nậu vựa hoạt động bình thường, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương. Nghiệp đoàn bốc xếp vận chuyển hàng hóa từ tàu lên nậu vựa nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo thời gian và chất lượng sản phẩm.
 
Địa phương đã phối hợp với Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Bến Tre và Chi cục Thủy sản tỉnh mời các chủ tàu tham gia tổ, đội sản xuất trên biển triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá và chi phí vận chuyển hàng hóa của tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 17 năm 2018 của Chính phủ có sửa đổi bổ sung. Đến nay, có 54 hồ sơ tàu cá được xác nhận đủ điều kiện hỗ trợ bảo hiểm chuyển về Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Bến Tre để cấp bảo hiểm. Hiện xã Bình Thắng cũng đang xây dựng xã nông thôn mới, đã đạt 10/19 tiêu chí.
 
Những chiếc tàu đánh bắt thủy sản đã ra khơi từ nhiều ngày qua. Trên bến cảng chỉ có những chiếc tàu “tiếp tế” với hàng hóa lương thực cung cấp cho các tàu đánh bắt cũng đang chuẩn bị rời bến. Bến cảng vẫn nhộn nhịp với những tiếng nói cười rộn rã của các ngư dân. Họ đầy lạc quan, với niềm tin và sự cần cù lao động đã được tiếp nối qua bao thế hệ.
Nguồn: Báo Đồng Khởi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT