Kèn lá của người Mông
“Ở trên cành là lá, đặt lên môi em thành lời
Lời tâm tình dịu êm, từ trong con tim em vấn vương
Gọi mùa xuân sang từ lung linh hương sắc
Gọi tình yêu về từ lòng em... say mê”...
Kèn lá là nhạc cụ dùng để giải trí trên nương rẫy, phục vụ trong những đêm sinh hoạt cộng đồng, giúp trai gái tỏ tình, múa hát v.v.
Kèn lá là một trong những nhạc cụ không thể thiếu của người Mông.
Sau những giờ lao động nặng nhọc, họ thả hồn cùng tiếng kèn vào khoảng lặng của núi rừng. Chỉ cần lấy 1 chiếc lá cây, cắt phần cuống, gấp đôi theo sống lá để có 1 chiếc kèn đơn sơ. Tuy nhiên, không phải lá cây nào cũng làm được kèn, phải chọn lá phù hợp, còn nguyên vẹn và tươi tốt.
Kèn lá có âm thanh cao, vang xa lảnh lót, rất khó tạo ra âm trầm. Nếu bản nhạc có những nốt trầm, người thổi sẽ nâng những nốt đó lên 1 quãng tám để thổi dễ dàng hơn.
Anh Giàng A Tu, thôn Nà Pin, xã Đà Vị (Na Hang) cho biết: Để sử dụng kèn lá, người thổi sử dụng cách huýt gió, mô phỏng theo giai điệu của bài nhạc. Chính vòm hàm và khoang miệng của người thổi sẽ tạo ra âm thanh của kèn lá. Tuy là nhạc cụ đơn giản, nhưng kèn lá có thể phát ra những giai điệu nhanh và ngắt quãng diễn tả tốt tiếng suối chảy và tiếng chim hót, hoặc những âm thanh mang nét đặc thù của thiên nhiên tùy theo tài nghệ của người thổi.
Trong đời sống của đồng bào người Mông, mỗi loại nhạc cụ truyền thống đều ẩn chứa ý nghĩa thiêng liêng. Chiếc kèn lá cũng như những nhạc cụ khác nó như những người bạn thân thiết để bày tỏ những cảm xúc yêu thương, những mong ước, khát vọng của các chàng trai cô gái.