Non nước Việt Nam

Khèn – Nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mông tỉnh Điện Biên

Cập nhật: 21/10/2020 10:46:03
Số lần đọc: 1307
Trong cuộc sống của người Mông, Khèn là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của đồng bào. Trong đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người Mông luôn có sự hiện diện của Khèn.


 

Là một loại nhạc cụ độc đáo, không chỉ bởi tính đại chúng của nó mà còn bởi Khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, là nhạc khí thiêng liêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được sử dụng diễn tấu trong tang ma nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, tình duyên đôi lứa, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời.

Dù mang tính đại chúng nhưng người diễn tấu Khèn lại dành đặc quyền của nam giới. Với nam giới, ngay khi còn nhỏ đã được hướng đến việc phải học hỏi cách diễn tấu khèn để khi hơn 10 tuổi đều có cây khèn trên vai khi lên nương, xuống chợ. Người Mông khi buồn, khi vui đều mang khèn diễn tấu, đều nghe tiếng Khèn để thể hiện tâm tư, tình cảm cũng như nhu cầu, giao tiếp, kết nối của mình qua tiếng Khèn.

Khèn độc đáo bởi hình dáng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó mang tính khác biệt. Âm thanh được phát ra theo cả luồng hơi thổi ra, hít vào. Khèn được chia thành 2 phần chính thân khèn (cáng khềnh) và ống khèn (tý khềnh, phần phát ra âm thanh). Thân khèn gồm có ống thổi, bầu khèn (tâu khềnh), đuôi khèn (tơ khềnh), ống khèn gồm 6 ống được làm bằng trúc hoặc nứa khoét rỗng có độ dài, ngắn khác nhau, được xếp song song và xuyên qua bầu khèn làm thành hộp cộng hưởng phần tạo ra âm thanh, trên 6 ống có 6 lỗ tròn nhỏ để điều chỉnh âm thanh khi thổi. Trên đầu lỗ thổi được nắp 1 mẩu gỗ tròn nhỏ để bảo vệ lỗ thổi, trong lỗ thổi có lưỡi gà làm bằng đồng.

Ống khèn (tý khềnh) có 6 ống làm từ trúc hoặc nứa gắn trên bầu khèn bằng gỗ khoét rỗng, được kết nối với nhau bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Mọi công đoạn làm ra khèn đều được đồng bào Mông làm thủ công với những dụng cụ đồng bào tự chế như đe, búa, dao có lưỡi cong hình lưỡi liềm, đục, dao mũi nhọn, bộ đồ nấu đồng và khuôn đúc đồng... Các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay và ngắm bằng mắt để chế tác. Không có nguyên tắc chung nhưng để có được cây khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm. Vì vậy, có thể nhiều người học diễn tấu được nhưng chế tác nó thì không nhiều.

Trong nghệ thuật múa khèn của người Mông có khèn vui, khèn buồn. Với khèn vui, tiếng khèn như mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, hay chúc nhau những điều may mắn. Trong các lễ hội mùa vụ tiếng khèn vừa là tiếng nói tâm linh kết nối với thần linh, tổ tiên, vừa là âm thanh vui vẻ kết nối cộng đồng để giải tỏa những khúc mắc, buồn lo. Còn khi buồn nhất là trong đám tang các bài khèn thể hiện tình cảm đau thương vô hạn với người đã mất.

Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập giữa các nền văn hóa, khèn Mông không chỉ đơn thuần đóng vai trò là nhạc cụ riêng của người Mông mà đã và đang trở thành nhạc cụ yêu thích chung của các dân tộc. Khèn không chỉ được sử dụng trong đám ma, đám cưới, lễ hội mà khèn còn là người bạn không thể thiếu của các chàng trai Mông khi xuống chợ, lên nương hay những đêm trăng thanh gió mát khèn như người bạn chung tình, khèn thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà qua đó thể hiện sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên cùng với trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong hội nhập và phát triển cùng đất nước./.

Nguồn: http://svhttdldienbien.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT