Đặc sắc điêu khắc gỗ M'nông
Tượng chim công đậu trên ngà voi.
Các đề tài người như già làng, phụ nữ, thanh niên; đề tài động vật như voi, chim, rùa, khỉ; đề tài thực vật như cây rau dớn, hoa rừng; đề tài đồ vật như nồi đồng, chiêng, ché... được đồng bào thể hiện khá cô đọng với thủ pháp nghệ thuật rất độc đáo. Trong các tác phẩm điêu khắc gỗ của người M’nông, nổi bật nhất là tượng gỗ trang trí nơi nhà mồ.
Lăng mộ của các gru săn voi ở huyện Buôn Đôn ngoài lối kiến trúc pha lẫn nét đặc trưng nhà mồ các dân tộc còn có “vườn tượng” dày đặc, trong đó, những bức tượng về con voi là sinh động nhất. Nếu người M’nông Kuênh tạc tượng tròn voi đứng trên ché thì người M’nông Preh ở Buôn Đôn lại sáng tạo các mô típ voi mang tính cách điệu với hình cặp ngà voi gắn trên nồi đồng, đôi chim công đậu trên cặp ngà voi, cặp ngà voi và hình rau dớn... Mẫu thức ngà voi, chim công, nồi đồng càng thể hiện chủ đề rõ nét hơn: nếu ngà voi biểu hiện sự hùng mạnh, nồi đồng nói lên sự no ấm thì chim công biểu đạt vẻ đẹp rực rỡ, cao sang. Trong các mẫu thức được trang trí, ngà voi ở vị trí trung tâm. Tất cả toát lên sự hài hòa với ngôn ngữ điêu khắc mộc mạc, chân chất, đường nét, hình khối vừa nhẹ nhàng vừa khỏe khoắn, chắt lọc những điểm chính của sự vật gần gũi nhất, quý giá nhất để tạo nên một biểu tượng đẹp.
Cây nêu của dân tộc M'nông tham gia Ngày hội phục dựng cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc tại tỉnh Quảng Nam.
Dân tộc M’nông Kuênh cư trú tại các xã vùng sâu huyện Krông Bông có mối quan hệ gần gũi về văn hóa với dân tộc Êđê. Trang phục, nhà ở, âm nhạc dân gian của họ đều có sự ảnh hưởng của dân tộc cận cư là người Êđê. Tuy nhiên, trong nghệ thuật điêu khắc, trang trí thì đồng bào M’nông Kuênh vẫn có nhiều nét đặc trưng. Nhà mồ là công trình nghệ thuật điêu khắc dân gian đặc sắc với nhiều bức tượng tròn bố trí thành nhiều cụm, nhóm hoặc đơn lẻ ở không gian phía trước. Những bức tượng mang phong cách Tây Nguyên nhưng vẫn toát lên cái hồn cốt của nghệ thuật cổ của tộc người M’nông như từng được miêu tả trong các sử thi. Đó là tác phẩm miêu tả con người, các loài động thực vật, những đồ vật quý giá trong cuộc sống, biểu tượng cho sự giàu có, sung túc của con người. Đó là các bức tượng khắc họa chân dung già làng oai phong trong trang phục ngày hội cùng với dân làng vui chơi, uống rượu cần, đánh chiêng, nhảy múa, hút thuốc. Đề tài động vật luôn ưu ái cho những con vật gần gũi như: voi, khỉ, chó... Con voi biểu tượng cho sức mạnh thiên nhiên cũng đồng thời là biểu tượng của quyền lực. Những vị già làng, tù trưởng giàu có, sở hữu nhiều voi, trâu bò, chiêng ché, nồi đồng... là những người có vai vế, uy tín, có ảnh hưởng đến cuộc sống dân làng và những tộc người láng giềng. Do đó, những tác phẩm điêu khắc về đề tài voi, chiêng ché, nồi đồng... luôn nổi bật so với các chủ đề khác.
Trong lễ hội lớn như tâm nghết, người M’nông dành nhiều thời gian, công sức để trang trí nhà cửa, không gian vui chơi. Trong nhà, trước cửa nơi cột ché rượu cũng phải trang trí, khắc tượng, khắc cành cây, vẽ hoa văn. Nơi cọc nêu phải khắc và đẽo đủ loại hình, hoa văn: hình tổ ong, chim én, cánh chim cu, treo những xâu lục lạc bằng nứa, những chùm bùi nhùi vót nhuyễn, những lá cọ non xẻ tơi cắm vào cọc nêu, cây nêu cao vút có những nhà nhỏ từng nấc, trên đầu chót gắn tượng phượng hoàng, khắc bằng cây gỗ có vẻ màu sắc rực rỡ, ngay nơi gốc nêu có làm sạp, hai bên cọc có dựng hai tượng người canh gác giữ cọc nêu trong suốt thời gian lễ hội. Trong sử thi (Ot ndrong) của người M’nông có nhiều đoạn lời nói, vần nói về tài điêu khắc của các nghệ sĩ tạo hình bon làng ngày xưa: “Cheh kon tui brộ êng reng dung/Cheh kon reng brộ êng rơp dơp/Ntơp njư nrau roh goh/Nuih kon nun ntoh măt lơr ơr” (Dịch nghĩa: “Khắc hình tép con tép biết bò/Khắc hình cua con cua biết đi/Hình chim cu con chim cu biết hót/Khắc hình người đôi mắt biết mở”).
Nghệ thuật điêu khắc gỗ của dân tộc M’nông khá phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, cùng với nhiều loại hình di sản khác, di sản nghệ thuật tạo hình của đồng bào đang bị mai một nhanh chóng. Nhiều nhóm địa phương của dân tộc M’nông trước đây vốn rất có sở trường về điêu khắc gỗ như người M’nông Kuênh, M’nông Noong thì giờ đây loại hình nghệ thuật này đã vắng bóng. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần quan tâm sưu tầm, phục chế những tác phẩm điêu khắc giá trị đã mất, khuyến khích nghệ nhân truyền dạy điêu khắc cho lớp trẻ, tổ chức các cuộc thi điêu khắc gỗ dân gian, tham gia các lễ hội phục dựng, chế tác cây nêu, cột lễ... để các nghệ nhân phát huy tay nghề tạc tượng, trang trí hoa văn, làm sống lại các tác phẩm mỹ thuật dân gian - một trong những di sản quý báu làm nên bản sắc tộc người.
Tấn Vịnh