Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê 2020
Thiếu nữa Chăm với điệu múa quạt truyền thống vui đón Lễ hội Katê tại Tháp Pô Klong Garai.
Một ngày trước khi diễn ra lễ hội chính thức, tại các đền tháp Pô Nưgar ở thôn Hữu Đức, tháp Pô Rômê ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, hàng nghìn đồng bào dân tộc Chăm, Ra Glai đã tề tựu, làm lễ đón rước y trang của nữ thần Pô Nưgar - Thần mẹ thủy tổ của người Chăm. Tương truyền, vị thần này đã dạy cho con cháu trồng lúa, trồng bông, dệt vải và các phong tục cúng trong lễ hội được lưu giữ đến ngày nay.
Trong không gian rộng lớn tại Tháp Pô Klong Garai, các vị chức sắc Chăm thay mặt cộng đồng bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi gia đình được no cơm, ấm áo; cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo đời sống đồng bào ngày càng khấm khá nên diện mạo các làng Chăm ngày càng đổi thay tươi đẹp hơn...
Dưới chân tháp cổ, các chàng trai, cô gái đồng bào Chăm và dân tộc Ra Glai tham gia múa hát mừng lễ hội, người già đứng tuổi lo soạn lễ cúng, các chức sắc làm lễ mở cửa, tắm và mặc y phục cho tượng thần.
Lễ hội là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của cộng đồng người Chăm, bởi trong thời khắc diễn ra lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị kỹ - mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm để cùng hòa với nền văn hóa của các dân tộc anh em, góp phần làm cho “vườn hoa văn hóa” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam thêm phong phú.
Dịp này, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã tặng hoa chúc mừng và tin tưởng đồng bào Chăm luôn sát cánh với các dân tộc anh em trong tỉnh, chung tay góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Nghi lễ chính thức tại tháp Pô Klong Garai kết thúc lúc 10 giờ cùng ngày. Trong ba ngày tiếp theo, tại các vùng đồng bào Chăm tổ chức nhiều hoạt động vui đón lễ hội, thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành trong năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người hóa giải những hiềm khích, mâu thuẫn xảy ra trong năm cũ, hướng tới đời sống dung hòa, đong đầy tình yêu thương tình làng nghĩa xóm...
Năm 2017, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Giờ đây, Lễ hội Katê không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Ra Glai ở Ninh Thuận.