Non nước Việt Nam

Hà Giang: Bảo tồn Lễ cầu mùa của người Dao đỏ xã Đường Hồng

Cập nhật: 19/10/2020 08:45:13
Số lần đọc: 732
Người Dao đỏ, xã Đường Hồng (Bắc Mê) có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Một trong những lễ hội liên quan đến đời sống nông nghiệp của dân tộc này chính là Lễ cầu mùa (LCM) thể hiện ước muốn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.


Thầy cúng chuẩn bị đồ lễ.

Nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao đỏ, mới đây cán bộ và nhân dân xã Đường Hồng đã tổ chức phục dựng lại Lễ cầu mùa tại thôn Khuổi Mạ. Cũng giống như các dân tộc khác, người Dao đỏ ở xã Đường Hồng có nhiều phong tục tập quán, lễ hội riêng mang đậm dấu ấn của dân tộc mình, trong đó có LCM. Theo người dân ở đây, LCM đã có truyền thống từ hàng trăm năm, qua thời gian đã bị mai một nhưng gần đây đã được khôi phục và thường được tổ chức vào mùng 3 tháng 3, mùng 6 tháng 6 âm lịch. Theo phong tục người Dao đỏ, lễ vật dâng cúng thần linh trong LCM rất quan trọng và phải được chuẩn bị chu đáo, không được phép sai sót. Điều đặc biệt nhất là tất cả các đồ dâng cúng thần linh đều phải do các gia đình tự trồng, tự nuôi để thể hiện lòng thành kính. Cỗ cúng cầu mùa bao gồm: Gạo, bánh, xôi, rượu trắng, lợn, gà… sau đó tập trung tại khu đất bằng phẳng trong thôn để cúng thần hoàng bản thổ, thần nước và những vị thần núi, thổ công bao quanh làng; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, sai hoa kết trái, nặng bông trĩu quả và các thần phù hộ, che trở cho bà con trong làng bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc và no đủ; con trâu, con bò, lợn, gà, nhanh lớn không bị dịch bệnh. 

Người Dao đỏ quan niệm, đàn ông trong thôn sẽ phụ trách các nghi lễ, còn phụ nữ tham gia chuẩn bị lễ vật và nấu nướng. Trong gia đình người Dao đỏ, lễ vật được dâng cúng ở 2 nơi, trước cửa gian chính của nhà và khu vực sau nhà, nơi có địa thế giáp núi. Các thầy cúng có uy tín nhất trong bản là chủ tế, có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức, dâng cúng lễ vật mà các gia đình trong bản đóng góp, chuẩn bị. Từ sáng sớm, thầy cúng là người đầu tiên đến gia đình được lựa chọn thực hiện nghi lễ. Trải qua hàng trăm năm, LCM của người Dao đỏ ở xã Đường Hồng đã trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng đặc sắc, được gìn giữ cho đến ngày nay, có tác dụng cổ vũ, động viên người dân bước vào một vụ sản xuất mới. Những năm gần đây, LCM được chính quyền xã khuyến khích tổ chức trong cộng đồng, và được phục dựng lại để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Ông Lê Minh Căn, Bí thư Đảng ủy xã Đường Hồng, chia sẻ: LCM của dân tộc Dao đỏ có từ rất lâu đời. Trong những năm qua, xã đã tuyên truyền tới bà con nhân dân tiếp tục gìn giữ và bảo tồn các bản sắc văn hóa của dân tộc; duy trì, phát huy các giá trị độc đáo của LCM để nét văn hóa đặc sắc này được tiếp nối tới các thế hệ mai sau.

Ông Hoàng Đức Hưởng, Trưởng phòng VHTT&DL huyện, cho biết: LCM của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Đường Hồng nói riêng, huyện Bắc Mê nói chung thể hiện rõ tính giáo dục, sự kế thừa những tinh hoa văn hoá và ý thức cội nguồn của dân tộc. Đặc biệt, LCM của đồng bào Dao đỏ còn mang tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người lao động. Nét văn hoá đặc sắc này cần được bảo tồn và phát huy tiếp nối tới các thế hệ mai sau… Ngành Văn hóa huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể; tổ chức nhiều chương trình văn hóa, thể thao liên quan tới lễ hội, trong đó có LCM hoặc trò chơi dân gian để văn hóa dân tộc Dao đỏ được cộng đồng chung tay lưu giữ.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT