Non nước Việt Nam

Tù và - nhạc cụ truyền thống của người Dao

Cập nhật: 21/10/2020 08:36:15
Số lần đọc: 1449
Nhạc cụ của cộng đồng người Dao ở Cao Bằng rất phong phú và đa dạng, gồm: trống, kèn, tù và, thanh la, chũm chọe… Mỗi nhạc cụ hoặc nhóm nhạc cụ gắn với từng nghi lễ và hoạt động lễ hội cụ thể. Trong đó, tù và được người Dao coi là cầu nối giữa thế giới tâm linh và trần tục trong một số nghi lễ linh thiêng của cộng đồng.

Ông Bàn Văn Sơn, dân tộc Dao Tiền, xã Quang Thành (Nguyên Bình) cầm chiếc tù và được gia đình gìn giữ nhiều năm qua.

Khác với các loại nhạc cụ thường phát ra âm thanh trầm bổng hoặc vang xa thì tù và khi thổi phát ra âm thanh ù ù khá đinh tai. Trong chiến tranh xưa, tù và được thổi để thông báo trận chiến, đốc thúc tinh thần quân lính và uy hiếp tinh thần của đối phương. Còn tại làng quê Việt Nam xưa, tù và thường được dùng để báo hiệu, thông báo dân làng tập hợp để họp bàn việc xóm. Với người Dao ở Cao Bằng, tù và được sử dụng trong một số nghi lễ linh thiêng.

Ông Bàn Văn Sơn, dân tộc Dao Tiền, xã Quang Thành (Nguyên Bình) - người am hiểu về văn hóa dân tộc và hiện đang lưu giữ một số nhạc cụ truyền thống, trong đó có tù và cho biết: Tù và được sử dụng trong các nghi lễ cấp sắc, cúng tổ tiên, lễ cúng Bàn Vương. Đặc biệt trong đại lễ cúng Bàn Vương - nghi lễ lớn nhất trong cộng đồng người Dao thì tiếng tù và được dùng để mở đầu và kết thúc nghi lễ. Người thầy thổi tù và phải được cấp sắc từ 7 đèn trở lên mới được sử dụng.

Người Dao quan niệm âm thanh tù và có ý nghĩa rất linh thiêng: Hồi thứ nhất thông báo tới cửa trời để mở cửa cho Ngọc Hoàng xuống trần gian; hồi thứ hai thông báo đến trần gian mở cửa để Ngọc Hoàng vào; hồi thứ ba chính thức cung thỉnh Ngọc Hoàng xuống trần gian, nói rõ lý do mời Ngọc Hoàng xuống để chứng giám nghi lễ; hồi thứ tư thông báo với các thánh thần đi cùng Ngọc Hoàng đã xuống đến hạ giới chứng giám và phù hộ mọi điều tốt lành cho cộng đồng người Dao tại hạ giới. Kết thúc nghi lễ thầy cúng làm thủ tục tạ ơn và thổi 4 hồi tù và để tiễn Ngọc Hoàng. 

Qua nghi lễ thổi tù và gọi Ngọc Hoàng xuống chứng giám trong lễ cúng Bàn Vương của người Dao cho thấy, âm thanh tiếng tù và có vai trò, quyền năng đặc biệt trong suốt quá trình làm lễ. Âm thanh tù và chính là cầu nối để kết giao thế giới tâm linh và thế giới trần tục, hướng con người về với tổ tiên, nguồn cội. 

Người Dao ở Cao Bằng thường dùng sừng trâu để chế tác tù và. Để làm nhạc cụ tù và trải qua nhiều công đoạn và thời gian. Trước hết phải chọn sừng trâu đẹp với độ cứng, bóng và dày đảm bảo. Đem sừng trâu để trên gác bếp sấy khô. Sau khi sừng khô đạt yêu cầu thì người làm tù và sẽ chuẩn bị một lễ nhỏ (thịt gà, thịt lợn, hoa quả…) dâng lên tổ tiên, thần bếp báo cáo rồi mới tiến hành chế tác sừng trâu làm tù và.

Sừng trâu được cắt với độ dài khoảng 35 - 45 cm, rồi bào và gọt nhẵn vỏ, sau đó dùng dùi sắt nung đỏ khoan lỗ ở đầu nhọn của sừng. Để tạo nên âm thanh đặc trưng của tù và vừa trầm hùng vừa vang xa, trong quá trình chế tác nghệ nhân phải thổi thử, điều chỉnh âm thanh nhiều lần mới đạt yêu cầu.

Theo nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc Dao Triệu Văn On, 70 tuổi, xã Vũ Minh (Nguyên Bình), thanh âm của mỗi chiếc tù và phụ thuộc vào độ dày, mỏng, dài, ngắn của chiếc sừng trâu, sự khéo léo khi chế tác và sự am tường từng cung bậc thanh âm tiếng tù và của người chế tác. Vì thế, thanh âm mỗi chiếc tù và đều khác nhau dù các công đoạn chế tác tù và giống nhau. Mặt khác, mỗi chiếc tù và đều dựa trên nền tảng âm thanh của các nhạc cụ khác trong bộ nhạc cụ truyền thống của người Dao nên mỗi chiếc tù và chỉ tương thích và dùng đúng cho một bộ nhạc cụ truyền thống đó. 

Không ai còn nhớ rõ tù và xuất hiện từ khi nào, tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhạc cụ tù và của người Dao đang đứng trước nguy cơ mai một. Tại các gia đình, dòng họ người Dao trên địa bàn tỉnh hiện rất ít người lưu giữ tù và; số nghệ nhân chế tác chỉ còn chưa đến chục người và tuổi đều đã cao; chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến giá trị cũng như vai trò của tù và trong đời sống tinh thần của người Dao ở Cao Bằng; số người biết sử dụng tù và hiện nay phần lớn đã lớn tuổi và còn rất ít. Đáng lo ngại nhất là thế hệ kế cận hầu như không có…

Nếu ngành văn hóa không sớm có giải pháp, ngành du lịch không biết tận dụng và tỉnh không sớm có chủ trương khôi phục thì không chỉ tù và mà các nhạc cụ dân tộc truyền thống khác của người Dao cũng sẽ biến mất.

Thúy Hằng

 

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT