Bà Quách Thị Duyên, là cháu gái của cụ Quách Văn Lai - người khi còn sống luôn nặng lòng gìn giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường ở Thạch Bình.
"Tôi theo cụ Lai và đội đi biểu diễn cồng chiêng, đặc biệt là điệu múa Sênh Tiền từ khi mới là thiếu nữ 17 tuổi. Chúng tôi biểu diễn ở các sự kiện của xã, của huyện và đặc biệt là giao lưu văn hóa với đồng bào Mường ở Hòa Bình và nhiều địa phương khác nữa. Điệu múa Sênh Tiền theo thời gian đã trở thành nét đẹp văn hóa, là biểu tượng của đồng bào Mường ở thôn Đồi Bồ. Bởi vậy, dù hiện đã ngoài 50 tuổi, tôi vẫn tích cực tham gia vào đội múa của thôn với mong muốn lưu giữ và góp phần lan tỏa được niềm tự hào về điệu múa Sênh Tiền đến với thế hệ trẻ. Trong đội múa có 8 người, thì đã có 5 người là chị em ruột của tôi"- bà Quách Thị Duyên tự hào chia sẻ.
Theo lời kể của bà Hoàng Thị Tuất, thành viên Đội Cồng chiêng thôn Đồi Bồ thì từ xưa, được xem biểu diễn cồng chiêng và múa Sênh Tiền luôn là niềm háo hức của bà con trong thôn. Không biểu diễn ở nhà văn hóa như bây giờ, thời xưa, cứ sau vụ thu hoạch lúa mùa là đội văn nghệ lại chọn cánh đồng trước nhà để làm sân khấu biểu diễn. Sau những điệu cồng chiêng hào hùng thì bao giờ đội văn nghệ cũng biểu diễn bài múa Sênh Tiền.
Bà Tuất chia sẻ: Trong niềm hân hoan của một vụ mùa bội thu, bà con tập trung xem các tiết mục văn nghệ. Trong tiết trời lành lạnh của ngày đầu đông, giữa bảng lảng khói chiều, đội văn nghệ say sưa với từng điệu múa, trong tiếng nhạc vui nhộn… những hình ảnh ấy là ký ức khó quên với nhiều thế hệ người dân thôn Đồi Bồ.
Giới thiệu với chúng tôi về điệu múa Sênh Tiền, bà Bùi Thị Hoàng, 67 tuổi chia sẻ: Múa Sênh Tiền là điệu múa dân gian được biến tấu từ cách gõ nhịp nhạc cụ - cây Sênh Tiền. Nhạc cụ này rất đơn giản, do bà con tự làm bằng 2 thanh gỗ cứng, trên thanh gỗ đính hai quả chuông nhỏ xíu bằng đồng để tạo ra tiếng kêu vui nhộn.
Để làm được loại nhạc cụ này, tuy đơn giản song phải mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng dưới bàn tay điêu luyện của người biểu diễn, nhạc cụ đặc biệt này đã phát ra thứ âm thanh say đắm, hoan hỉ theo từng nhịp múa uyển chuyển. Điệu múa Sênh Tiền không khó nhưng đòi hỏi phải có sự tập trung và đam mê. Khi múa, tay trái cầm 2 thanh có dây nối, tay phải cầm thanh thứ 3. Đặc biệt, ngoài nhiệm vụ dập và mở âm nhạc cụ để phát ra âm thanh thì đôi tay còn phải uyển chuyển như múa.
Cứ như thế, những người phụ nữ trong thôn Đồi Bồ dạy cho nhau cách múa Sênh Tiền. Vào dịp hội làng hay vào đầu năm mới, bên cạnh những trò chơi đậm truyền thống như ném còn, đi cà kheo, thì bà con trong thôn đều trông chờ điệu múa Sênh Tiền với niềm háo hức lạ kỳ. Khi múa, các thành viên dàn thành hai hàng, đôi tay nhịp nhàng điều khiển chiếc Sênh Tiền đưa lên đưa xuống. Người múa cần có đam mê và tình yêu mới tạo nên cái hồn khi sử dụng loại nhạc cụ này.
Múa Sênh Tiền có 5 động tác chính. Những động tác múa chủ yếu là mô phỏng các nét sinh hoạt chính trong cuộc sống của đồng bào Mường. Những động tác khi e thẹn, khi nghiêng mình soi bóng bên dòng suối, có khi là bê mâm cỗ trong ngày lễ hội, là việc gánh lúa trong ngày mùa bội thu hoặc lúc nhún nhảy trong trò chơi đánh mảng và uyển chuyển động tác đánh chiêng… Người xem, dù không sinh sống ở đây, nhưng chỉ cần ngắm nhìn các các cô, các chị dân tộc Mường biểu diễn bài múa Sênh Tiền, là như thấy được cuộc sống lao động và nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây.
Ngày nay, mặc dù cuộc sống của đồng bào Mường ở Đồi Bồ hiện đại lên nhiều. Người dân được tiếp cận với nhiều "kênh" giải trí khác nhau, song múa Sênh Tiền vẫn giữ được chỗ đứng vững chắc trong lòng người thưởng thức.
"Tôi lớn tuổi rồi nhưng vẫn còn da diết với điệu múa Sênh Tiền. Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền dạy lại cho con, cháu mình. Khi dạy, tôi luôn nói cho các con, cháu hiểu được ý nghĩa và giá trị của điệu múa để thôi thúc thêm niềm yêu thích và đam mê trong thế hệ trẻ. Đặc biệt, để tham gia vào các chương trình văn nghệ mừng sự kiện của xã hay huyện, chúng tôi luôn lựa chọn điệu múa Sênh Tiền này để làm tiết mục đại diện cho thôn. Không chỉ là nét văn hóa truyền thống cần gìn giữ, điệu múa còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và xua tan những điều không may mắn để đón nhận nhiều niềm vui mới. Chúng tôi múa Sênh Tiền còn để cầu mong sự may mắn đến với đồng bào mình"- Bà Bùi Thị Hoàng chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: Đào Hằng