Kết nối thị trường du lịch qua đường hàng không
Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hiện có 8 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Ðà Nẵng, Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Hải Phòng, Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Thanh Hóa và Vinh (Nghệ An); cùng 2 đường bay quốc tế kết nối Ðài Loan và Hàn Quốc. Vào năm 2022, tổng lượt khách đến Cần Thơ qua đường hàng không đạt trên 1,3 triệu lượt, trong khi đó tổng lượt khách du lịch của năm đạt trên 5,1 triệu lượt. Do đó, du khách thông qua đường hàng không được xem mục tiêu quan trọng để mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển du lịch của TP Cần Thơ và cả vùng ÐBSCL. Nhiều người kỳ vọng những khác biệt về văn hóa giữa Cần Thơ và Quảng Ninh sẽ mở ra nhiều tiềm năng về du lịch giữa hai địa phương khi đường bay Cần Thơ - Vân Ðồn đi vào hoạt động.
TP Cần Thơ có vị trí trung tâm vùng ÐBSCL, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây trái trĩu quả quanh năm, từ đó hình thành chiều sâu của văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn; giúp Cần Thơ phát triển nhanh các loại hình du lịch sinh thái, sông nước... Thành phố có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển từ đường bộ, đường thủy, hàng không; bên cạnh thương mại dịch vụ phát triển đồng bộ, tập trung nhiều loại hình dịch vụ và vui chơi giải trí, đáp ứng điều kiện phát triển du lịch MICE. Cần Thơ có hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch đạt chuẩn; đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách như: khách sạn Mường Thanh (5 sao), khách sạn Sheraton Cần Thơ (5 sao), Resort Azerai tại Cồn Ấu, Victoria Cần Thơ resort, Trung tâm hội nghị yến tiệc CB Palace… Bên cạnh đó là nhiều điểm đến được du khách quốc tế biết đến: chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy… Thị trường khách nội địa trọng điểm của Cần Thơ cũng là khu vực phía Bắc.
Trong khi đó, thế mạnh của Quảng Ninh là du lịch biển đảo. Với bờ biển dài hơn 250km, Quảng Ninh có hệ thống tài nguyên du lịch biển liên hoàn: vịnh Hạ Long, vườn Quốc gia Bái Tử Long, đảo Cô Tô, Trà Cổ, Vĩnh Thực… Bên cạnh du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tâm linh cũng là một trong những thế mạnh khi hiện Quảng Ninh đang sở hữu hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, như: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Di tích lịch sử Bạch Ðằng, Khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Ðông Triều.
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, thông tin: Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa TP Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh vào tháng 3 vừa qua, lãnh đạo hai địa phương đã thúc đẩy việc mở đường bay Cần Thơ - Vân Ðồn. Mục tiêu là thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai địa phương, mở ra thị trường tiềm năng từ các đường bay nối tuyến. Ðường bay cũng mở ra cơ hội kết nối thương mại, nhất là về nông sản cho vùng ÐBSCL. Cần Thơ được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản - thế mạnh kinh tế chính của ÐBSCL; trong khi đó Quảng Ninh có đường biên giới về đường bộ và đường biển giáp Trung Quốc. Tại đây có 3 cửa khẩu: Móng Cái (TP Móng Cái), Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) góp phần giúp hoạt động thương mại, du lịch khu vực biên giới phát triển sôi động. Du khách Trung Quốc cũng là thị trường khách quốc tế trọng điểm mà Quảng Ninh và Cần Thơ hướng đến. Như vậy, việc mở đường bay thẳng Cần Thơ - Vân Ðồn mở ra nhiều tiềm năng về du lịch lẫn xuất khẩu nông sản giữa hai khu vực ÐBSCL và Ðông Bắc Bộ. Hàng không là phương thức vận tải lý tưởng đối với hàng thủy hải sản tươi sống và trái cây giữa hai vùng. Ông Nguyễn Hoàng Ơn chia sẻ thêm: “Giữa Cần Thơ và Quảng Ninh có ký kết hợp tác về du lịch. Liên kết này giúp hai địa phương hỗ trợ nhau về thông tin, kết nối sản phẩm, thị trường khách và xúc tiến quảng bá”.
Hiện Cần Thơ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, đẩy mạnh kết nối với các đường bay. Cụ thể, du lịch Cần Thơ sẽ tham dự Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2023, Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh - ITE 2023…. Ðồng thời tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch Cần Thơ tại khu vực Tây Bắc vào tháng 5, khu vực Tây Nguyên vào tháng 7… Kết nối quảng bá thị trường quốc tế tại Ðài Loan, Nhật Bản, Ấn Ðộ…
Việc mở đường bay thẳng Cần Thơ - Vân Ðồn là cơ hội để kết nối giao thương và thúc đẩy du lịch giữa Cần Thơ và Quảng Ninh, tạo liên tuyến du lịch về hàng không khi kết nối với các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch có đường bay. Ðiều này sẽ tạo thêm cơ hội để thu hút khách quốc tế.
Đường bay thẳng Cần Thơ - Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ chính thức vận hành từ 25-4-2023 do hãng Vietjet Air khai thác. Lịch bay 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần, vào các ngày thứ ba, năm và bảy. Khởi hành từ Cần Thơ lúc 6h và hạ cánh tại Vân Đồn lúc 8h20; ở chiều ngược lại sẽ khởi hành từ Vân Đồn lúc 8h55 và hạ cánh tại Cần Thơ lúc 11h10 (thời gian bay khoảng 2 tiếng 20 phút). Giá vé hiện đã được chào bán, mức giá từ 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí và trừ giai đoạn lễ, hè của từng thị trường). Đặc biệt, từ nay đến 5-5-2023, Vietjet Air còn dành tặng khách hàng khuyến mãi giảm tới 50% (chưa bao gồm thuế, phí và trừ giai đoạn lễ, hè của từng thị trường) giá vé hạng SkyBoss và SkyBoss Business trên tất cả các đường bay mà hãng đang phục vụ (nhập mã khuyến mại ALL50SBB cho hạng SkyBoss Business, ALL50SB cho hạng SkyBoss).
Bài và ảnh: Ái Lam