Hoạt động của ngành

Khai thác văn hóa dân tộc Mường trong phát triển du lịch tại huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Cập nhật: 10/11/2022 08:10:17
Số lần đọc: 463
Trong hai ngày 8, 9/11, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng tại ba xã: Thạch Xá, Tiến Xuân, Yên Bình.  


Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Thạch Thất là một vùng đất cổ nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Huyện Thạch Thất có trên 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề đã được cấp bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”; 209 di tích như đình, chùa, đền, quán, miếu, văn chỉ...

Đến nay, Thạch Thất đã có 101 di tích được xếp hạng, trong đó di tích chùa Tây Phương được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, một trong những thế mạnh của Thạch Thất là có nhiều sản phẩm OCOP từ nông sản với 142 sản phẩm OCOP 3-4 sao.

Người dân lắng nghe về kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cách làm du lịch cộng đồng.

Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Lan Hương cho biết, Thạch Thất cũng là 1 trong 6 địa phương được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp nông thôn theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025. Với những tiềm năng, thế mạnh từ thiên nhiên cùng thế mạnh về nông nghiệp trang trại sạch, huyện Thạch Thất có kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của địa phương.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Tùng, xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trang trại (farmstay). Hiện, địa phương đã có mô hình trang trại rau sạch Hoa Viên với diện tích hơn 60ha, đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, từng bước đón khách du lịch. Ngoài ra, với đặc trưng có 40% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, xã đang nỗ lực hướng dẫn bà con phát triển du lịch cộng đồng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, thế mạnh của địa phương là phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Trên địa bàn hiện có 5-6 khu nghỉ dưỡng cao cấp và trên 10 khu homestay do nhà dân quản lý, thu hút nhiều du khách từ nội đô và các tỉnh, thành lân cận. Khó khăn hiện nay là nâng cao chất lượng dịch vụ và kỹ năng làm du lịch của người dân.

Văn hóa dân tộc Mường tại huyện Thạch Thất là nét đặc trưng có thể khai thác để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh minh họa

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới cho vùng ngoại thành Hà Nội nói chung và của huyện Thạch Thất nói riêng, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, người dân Thạch Thất nên khai thác nét văn hóa đặc sắc bản địa, trong đó nổi bật là văn hóa dân tộc Mường, như: Ẩm thực người Mường, các hoạt động trải nghiệm như trò chơi đẩy gậy, ném còn, văn hóa cồng chiêng…

Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao kỹ năng giao tiếp phục vụ khách, quảng bá sản phẩm địa phương, xây dựng thêm nhiều câu chuyện hấp dẫn ở điểm đến. Địa phương cũng nên xây dựng nhiều điểm đến giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng để khách du lịch dễ dàng mua sắm…

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 09/11/2022

Cùng chuyên mục