Non nước Việt Nam

Khám phá phong tục cưới hỏi của dân tộc Cờ Lao (Hà Giang)

Cập nhật: 10/05/2021 08:43:04
Số lần đọc: 798
Mặc dù là một trong những dân tộc đặc biệt ít người của cả nước, nhưng người Cờ Lao ở xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) vẫn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có phong tục cưới hỏi, hôn nhân. Cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, phong tục cưới hỏi của người Cờ Lao ngày càng văn minh, giản tiện nhưng không vì thế mà mất đi những nét văn hóa độc đáo riêng có.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Cờ Lao, cũng là trang phục mà cô dâu sẽ mặc trong lễ cưới.

Người Cờ Lao xã Túng Sán quan niệm tình cảm nam, nữ là thuận theo lẽ tự nhiên và sự lựa chọn hôn nhân là quyền của đôi trai, gái. Vào những dịp cuối năm, khi lúa, ngô đã chất đầy bồ, những nương chè Shan tuyết, Thảo quả đã được thu hái, các chàng trai, cô gái người Cờ Lao thường dành thời gian tìm đến nhà nhau tâm sự và hát giao duyên. Trong đêm thanh vắng, những ca từ ý tứ bay bổng nói lên tâm trạng, nỗi lòng của chàng trai: “Bố mẹ nói anh không theo hàng lối/ Quyền cao chức trọng anh chẳng mơ/ Chỉ mong về sau có em giúp anh mọi sự”. Nếu cô gái nhận lời tỏ tình của chàng trai thì sẽ hát đối lại: “Có con gà trống đã gáy vang rất sớm/ Em đã đồng ý với anh rồi…”.

Khi trai, gái đã ưng nhau thì đến mùa Xuân năm sau gia đình nhà trai sẽ mang lễ vật đến xin bố mẹ cô gái để cho hai người chính thức được đi lại tìm hiểu nhau. Nếu nhà gái đồng ý thì nhà trai được tiến hành các bước tiếp theo, trong đó điều quan trọng nhất là thống nhất thời gian tổ chức ăn hỏi, dạm ngõ. 

Đến ngày ăn hỏi đã thống nhất, nhà trai mang khoảng 5 kg gà và 5 ống gạo đến nhà gái. Hai gia đình tổ chức ăn uống và bàn thời gian tổ chức đám cưới, thống nhất các lễ vật nhà trai phải đem đến nhà gái trong ngày cưới. Sau bữa cơm này thì đôi trai, gái đã được coi như là vợ chồng.

Trước cưới một ngày, nhà trai thành lập một đoàn gồm 10 đến 15 người, trong đó bà mối hoặc một người trong họ tộc có khả năng giao tiếp làm trưởng đoàn để mang lễ vật đến nhà gái làm thủ tục xin dâu. Lễ vật thường gồm: Gạo, thịt lợn mỗi thứ 30 - 40 kg, rượu 30 chai, 2 đến 5 bộ quần áo mới cho cô dâu và một con nghé. Khi đoàn đón dâu đến nhà gái thì tổ chức giao lễ vật và trao lá thư viết trên tờ giấy đỏ của bố mẹ chú rể, nội dung thống nhất thời gian mà cô dâu phải có mặt tại nhà trai để nhà gái tính toán thời gian đưa dâu cho khớp, đồng thời ngủ lại một đêm tại nhà gái để ăn uống, hát hò… Sau bữa cơm tối, cô dâu rót lần lượt 4 chén rượu hoặc trà để bố mẹ đi mời khách dự lễ cưới theo thứ tự vai vế từ trên xuống dưới. Sau đó đến lượt cô dâu đi mời và xin ông bà, bố mẹ, chú bác dạy bảo lần cuối trước khi về nhà chồng, đồng thời nhận tặng phẩm của mọi người cho cô dâu. 

Ngày hôm sau, đoàn đón dâu sẽ rước cô dâu về nhà trai. Khi đoàn đưa dâu sắp về đến cửa thì thầy cúng sắp một mâm lễ để cúng xua đuổi tà ma. Sau khi thầy cúng làm lễ xong thì cô dâu mới được vào nhà vái tổ tiên và được bà mối đưa vào nhận buồng cưới. Ngay sau đó các hoạt động ăn uống, hát hò được diễn ra và kéo dài đến đến muộn. Trong lúc ăn, mọi người thường hát những bài hát truyền thống như: Mời rượu, Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài; Sáng cố (Kể về nguồn gốc loài người) và các điệu giao duyên, lời răn dạy vợ chồng trẻ. 

Sau bữa ăn, chú rể sẽ thắp hương, khấn vái tổ tiên rồi rót lần lượt 4 chén rượu hoặc trà để bố mẹ đi mời khách dự lễ cưới. Sau đó đến lượt chú rể cùng cô dâu đi mời (giống như cô dâu đã làm ở nhà gái) và xin ông bà, bố mẹ, chú bác dạy bảo những điều hay lẽ phải và nhận tặng phẩm của mọi người tặng cho đôi vợ chồng mới. Đây cũng là điểm nhấn độc đáo trong lễ cưới của người Cờ Lao, có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục đôi vợ chồng trẻ về đạo làm con, nghĩa vợ chồng. Các bậc bề trên răn dạy cô dâu, chú rể bằng lời ca, tiếng hát: “Nặng nhọc giúp nhau làm/ Ốm đau giúp nhau thuốc/ Được ăn không quên đũa/ Được ở không quên ơn cha mẹ”; “Chớ nghe lời xúi giục mà bỏ anh em/ Chớ nghe lời ham muốn dại mà mất của”… 

Có thể thấy, trong phong tục cưới hỏi của người Cờ Lao, hôn nhân không chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất là giúp trai gái thành vợ, thành chồng, sinh con nối dõi, mà nó còn có ý nghĩa cao cả hơn đó là giúp cho đôi vợ chồng trẻ có thêm kinh nghiệm sản xuất, văn hóa ứng xử để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. 

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT