Non nước Việt Nam

Duy trì giá trị nghi lễ truyền thống gắn với hoạt động du lịch ở Lâm Đồng

Cập nhật: 06/05/2021 08:20:09
Số lần đọc: 902
Năm 2021, lần thứ hai, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức phục dựng Lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho; nhằm lưu giữ những tập tục, nghi lễ lâu đời, nay đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền; đồng thời, là phương thức khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể để tạo nên sản phẩm du lịch mới trong Chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.


Cô gái từ nhỏ được học cách tần tảo lo toan gia đình. Chàng trai mới lớn được học cách săn bắt thú, bắn cung nỏ, bảo vệ buôn làng... Đôi trai gái gặp gỡ và phải lòng nhau trong không gian lao động của họ, cùng nhau lên rừng làm rẫy, giã gạo...

Đối với đồng bào dân tộc K’Ho - một trong 47 dân tộc anh em sống trên mảnh đất Lâm Đồng, theo chế độ mẫu hệ, thì đám cưới (Lễ Tơm Bau) là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời; do đó, việc xem xét, lựa chọn ý trung nhân rất kỹ càng. Tự do hôn nhân, nên một khi cô gái đã thích chàng trai nào đó, thì sẽ chủ động yêu cầu cha mẹ đến dạm hỏi. 

Khi đôi trai gái đã đồng ý thì việc dạm hỏi và xin cưới đều do nhà gái đứng ra lo liệu và thường là ông cậu của nhà gái chủ trì. Những lễ vật thách cưới thường là trâu, chiêng, chóe, rượu cần và nhẫn bạc, chuỗi hạt... Nếu nhà trai thách cưới quá cao, thì nhà gái sẽ xin nợ và trả sau một vài năm, khi kinh tế gia đình đã ổn định.

Người K’Ho khi có ý định tổ chức lễ cưới chồng cho đôi trai gái, thường không phải xem ngày lành tháng tốt, mà cứ ấn định vào một khoảng thời gian nhất định để không ảnh hưởng đến công việc lao động sản xuất. Và tất cả những nghi thức liên quan đến lễ dạm hỏi và lễ cưới đều được tiến hành vào ban đêm.

Lễ cưới sẽ được nhà trai tổ chức trước. Lúc này nhà gái phải mang của hồi môn tới nhà trai và đón rể. Nhà trai sẽ đón cô dâu và cho cô dâu ngồi ở một vị trí trang trọng giữa gian nhà chính. Nhưng trước khi vào nhà, cô dâu sẽ phải tiến hành nghi thức rửa chân. Nghi lễ này mang ý nghĩa cô dâu phải giữ gìn sự trong sạch, là người phụ nữ đoan chính.

Trong lễ cưới của người K’Ho đều có nghi lễ ném ruột gà. Đây có thể coi là việc quan trọng nhất trong đám cưới để công nhận đôi trẻ đã chính thức thành vợ thành chồng. Từ nay, họ sẽ được tự do đi lại giữa hai bên gia đình... Lễ cưới thường kéo dài trong 1 ngày 1 đêm tại nhà gái, do ông cậu lớn nhất trong gia đình nhà gái hoặc già làng đứng ra tổ chức.

Nếu như trong lễ cưới, bên nhà trai ăn uống linh đình, thì về bên nhà gái, mọi thủ tục được tối giản, nhất là những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, vì những gì giá trị nhất đã đem sang nhà trai trả lễ “thách cưới” rồi. Do vậy, nhà gái chỉ tổ chức mời khách khứa khi nào kinh tế ổn định. Có khi vài năm sau họ mới tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, dù là nhà trai hay nhà gái thì trong lễ cưới cũng không thể thiếu những ché rượu cần...

Báo Lâm Đồng kính mời độc giả tham dự Lễ Tơm Bau của đồng bào dân tộc K’Ho qua ảnh trong không gian phục dựng, để cảm nhận những nét thú vị và giá trị của một nghi lễ truyền thống và là nghi lễ quan trọng trong cuộc sống vợ chồng của đồng bào dân tộc K’Ho.


Ngày cưới, nhà gái sang trao lễ vật xin cưới rể. Nhà trai cũng trao tín vật...


Đôi trẻ trao vòng và đồ ăn thức uống cho nhau.


Hai họ bắt tay nhau đánh dấu mối quan hệ mới.


Dân làng múa hát chung vui

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT