Khám phá thác A nor hoang sơ ở huyện A Lưới
Thác A nor đẹp như tranh vẽ
Mấy năm trước, để khám phá A nor, du khách phải đi trên con đường gồ ghề. Bây giờ, con đường bê tông hơn 3 tỷ đồng được huyện A Lưới đầu tư khiến thác A nor dễ dàng được kết nối.
Đến gần với ngọn thác hùng vĩ với 3 dòng thác ở 3 độ cao khác nhau, du khách dễ dàng cảm nhận được “hơi thở” trong veo của đại ngàn. Và khi loại hình du lịch suối thác ngày một phát triển, A nor trở thành điểm nhấn của du lịch A Lưới, không chỉ thu hút du khách địa phương, trong tỉnh mà còn cả ngoại tỉnh.
Anh Trần Xuân Thiện (TP. Huế) bảo, nhắc đến suối thác, A Lưới là điểm đến không thể bỏ qua. Nơi đây có nhiều con thác hoang sơ, hùng vĩ, kích thích trí tò mò khám phá của người dân.
“Đường lên A Lưới bây giờ rất thuận tiện, hệ thống giao thông tại các điểm du lịch tại đây cũng đã được kết nối. Đến A Lưới, tôi và bạn bè không thể bỏ qua thác A nor. So với trước, địa phương bây giờ đã đầu tư mạnh về hạ tầng. Đến đây, mọi người được ngâm mình trong hồ nước mát, cùng vui chơi thư giãn dưới những tán cây rừng rộng lớn. Dịp cuối tuần, tạm rời xa nhịp sống xô bồ thường nhật, đến A nor để thưởng thức đặc sản và tìm cảm giác thư thái, nhẹ nhàng”, anh Thiện bày tỏ.
Tận dụng lợi thế về tự nhiên, huyện A Lưới đã “biến” ngọn thác kỳ vĩ này trở thành địa điểm thu hút du khách gần xa. Ngày cao điểm, hàng trăm lượt người đến đây vui chơi, nghỉ dưỡng.
Đến A nor không chỉ được ngắm nhìn phong cảnh mà du khách được dịp trải nghiệm cuộc sống thường nhật của đồng bào. Ẩm thực và văn hóa đó là hai điểm nhấn quan trọng trong hành trình trải nghiệm tại thác A nor. Những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như, xôi nếp than, gà nướng, thịt nướng, bánh a quát, rau rừng, rượu đoác sẽ thỏa sự tò mò, khám phá của du khách. Và nếu muốn họ cũng có thể thưởng thức các làn điệu dân ca dân nhạc của người bản địa.
Lãnh đạo xã Hồng Kim cho biết, để chuyên nghiệp hóa điểm đến này, các tổ du lịch cộng đồng được thành lập. Ngoài tắm thác, đến đây du khách có thể hoạt động giã gạo, làm bánh a quát, tìm hiểu nghề đan lát truyền thống, hòa mình cùng điệu múa với người dân bản địa
Tại Hồng Kim, mỗi thôn đều có một tổ du lịch cộng đồng, họ liên kết đầu tư chòi, sạp, phục vụ cho du khách khi đến tham quan thác A nor. Các thành viên tổ du lịch cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn làm du lịch. Sự mộc mạc, chân chất của người dân khiến du khách cảm nhận sâu đậm hơn về vùng đất một thời là căn cứ địa cách mạng của Khu ủy Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ.
Không chỉ hình thành nên tổ du lịch mà khi du lịch sông suối phát triển, một số công ty du lịch đã liên kết với địa phương, chọn A nor là điểm đến trong hành trình khám phá của họ. Mô hình du lịch cộng đồng tại thác A nor giúp người dân xóa tan sự tự ti, khép kín.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm cho biết, du lịch cộng đồng là mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế của địa phương này. Thời gian qua, thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, du khách đã biết nhiều hơn các điểm du lịch sinh thái của A Lưới.
“Mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại thác A nor đang cho thấy hiệu quả. Mô hình này dựa vào cộng đồng và người dân hưởng lợi. Huyện đã có nhiều sự đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp du lịch để làm thay đổi diện mạo điểm du lịch thác A nor”, bà Thêm chia sẻ./.