Hoạt động của ngành

Khánh Hòa: Cơ hội để nâng cao văn hóa du lịch

Cập nhật: 26/10/2020 10:05:07
Số lần đọc: 795
Những tháng cuối năm, ngành Du lịch Khánh Hòa đang nỗ lực phục hồi từng bước hoạt động du lịch. Đây là cơ hội để nâng cao văn hóa du lịch, nhất là tính an toàn trong hoạt động du lịch.

Dịch Covid-19 đã khiến du lịch Khánh Hòa chịu tổn thất nặng nề. Theo ước tính của Sở Du lịch, 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh chỉ đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch, bằng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu du lịch hơn 6.055,5 tỷ đồng, bằng 21,5% so với cùng kỳ năm 2019. Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch đợt 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, ngành Du lịch Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi hoạt động du lịch nội địa. Đồng thời, ngành chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế quay trở lại (tùy vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên thế giới). Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang trong tình thế rất khó khăn, nhưng bối cảnh hiện nay là cơ hội để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, văn hóa du lịch. Bởi chỉ có nâng cao văn hóa du lịch, đảm bảo an toàn hoạt động du lịch mới có thể khôi phục trở lại.

Trước đây, với việc du lịch phát triển quá “nóng”, lượng khách du lịch tăng nhanh, áp lực đón khách rất lớn nên có những lúc các doanh nghiệp chưa phục vụ tốt du khách. Đã có những du khách phàn nàn về dịch vụ tại điểm đến, các vụ nâng giá dịch vụ mùa cao điểm... Vấn đề an toàn trong hoạt động du lịch đôi khi chưa được quan tâm đúng mức. Dịch Covid-19 đã buộc cơ sở du lịch nhìn nhận lại, điều chỉnh và siết chặt quản lý nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn chống dịch cho du khách cũng chính là cho doanh nghiệp. Theo ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn quản lý điểm đến Outbox, những khảo sát gần đây về tâm lý và hành vi của khách du lịch sau dịch đều cho thấy an toàn là yêu cầu đầu tiên và cao nhất của du khách. Vì thế, những việc làm để kêu gọi du khách quay lại đều nên bắt đầu từ việc đáp ứng yêu cầu này. Đây cũng là vấn đề quyết định khả năng cạnh tranh thu hút khách quốc tế giữa các điểm đến trong giai đoạn sau dịch. Do đó, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng cần xây dựng tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch.

Về phía du khách, có một thực tế không thể phủ nhận là còn một bộ phận khách du lịch thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định tại điểm đến như: giẫm  lên hoa để chụp ảnh, khạc nhổ, vứt rác tùy tiện… Đó là những hành vi luôn bị xã hội lên án nhưng chưa được xử lý triệt để. Dịch Covid-19 đã buộc mọi người tự chấn chỉnh mình, xây dựng thói quen tuân thủ nghiêm các quy định, ứng xử văn minh khi du lịch nhưng cũng có một bộ phận lơ là, chủ quan, thậm chí thiếu ý thức phòng, chống dịch bệnh. Theo các chuyên gia du lịch, với những du khách thiếu ý thức, bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan cần xử phạt nghiêm khắc để vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa góp phần xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng.

Để nâng cao văn hóa du lịch, thời gian qua, Sở Du lịch đã triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, sở đang lấy ý kiến các ngành về xây dựng dự thảo hướng dẫn về tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch (cơ sở lưu trú, điểm du lịch…) nhằm phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời góp phần nâng cao văn hóa du lịch. “Chúng tôi xem việc thực hiện tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động du lịch không chỉ nhằm giải quyết nhanh sự vụ trong thời điểm có đại dịch, mà đó phải là một phần của ngành Du lịch từ nay về sau, là nền tảng để nâng cao văn hóa du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh bày tỏ./.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục