Hạt nhân của đô thị di sản
Dịch vụ, sản phẩm văn hóa cung đình tạo sức hút cho du lịch
Hồi sinh
Sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn hơn 400 công trình trong tình trạng đổ nát, hư hỏng (so với 1.400 công trình lúc còn nguyên vẹn). Các di sản phi vật thể bị hủy hoại, thất tán; hệ thống lễ hội cung đình không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; các hình thức diễn xướng cung đình, như Nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình tản mát và biến tướng trong dân gian...
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai, đạt kết quả to lớn. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế; phát huy giá trị di sản... Khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ được đầu tư trùng tu, bảo tồn, tiêu biểu là Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh…
Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của Cố đô lịch sử dần được hồi phục. Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đem lại những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội, thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận xét: “Từ khi được công nhận là di sản thế giới đến nay, di tích Huế được phục hồi khá tốt. Hệ thống kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể tưởng như mai một đã được khôi phục lại, trở thành tài nguyên phát triển văn hóa, du lịch, xây dựng thành phố Festival. Với quyết tâm rất lớn của tỉnh và định hướng xây dựng Huế trở thành thành phố di sản cấp quốc gia, tiêu biểu là chủ trương di dời dân cư ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu sẽ khôi phục lại giá trị của Kinh thành Huế. Nếu làm tốt chủ trương này, tôi tin sẽ tạo ra diện mạo mới của di tích Huế”.
Đổi mới mô hình hoạt động
Với vị thế đã được khẳng định, Quần thể Di tích Cố đô Huế cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, phục hồi, làm sống lại các không gian di sản, tạo sinh lực mới để góp phần đưa Huế trở lại vị trí đã từng có trong lịch sử; chuyển hóa quần thể thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng trở thành đô thị di sản.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, hiện nay, việc tu bổ vẫn còn rải đều và chưa tập trung cho các di tích có giá trị cao, như: Điện Cần Chánh, điện Kiến Trung, các lăng tẩm… Giá như Đại Nội được tập trung trùng tu những công trình lớn thì Kinh thành Huế sẽ mang giá trị đặc trưng nhất của kiến trúc cung đình Việt Nam, sức hấp dẫn cũng lớn hơn. Di tích Cố đô Huế là tài sản cấp quốc gia, nguồn lực của tỉnh không đủ sức mà phải có chính sách đầu tư của Trung ương, tập trung nguồn lực để khôi phục lại giá trị văn hiến của người Việt Nam.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế hiệu quả, phù hợp yêu cầu trong giai đoạn mới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục nghiên cứu mô hình hoạt động thích ứng, đổi mới tư duy và phương thức quản lý. Việc đổi mới mô hình cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố khai thác, phát huy giá trị di sản, tạo nguồn lực cho công cuộc bảo tồn và làm nền tảng cho ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Thực tế cho thấy, hoạt động theo mô hình quản lý hiện nay, các mảng công tác của trung tâm thực chất là một hệ thống liên kết có mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ, khó tách rời. Tuy nhiên, một số mặt vẫn thể hiện sự hạn chế nhất định, nhất là công tác khai thác và phát huy giá trị trong khu di sản. Lượng khách tham quan đến với di tích Huế và nguồn thu hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa. Hoạt động khai thác dịch vụ còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa phong phú; quy hoạch chưa mang tầm chiến lược và thiếu chiều sâu. Việc xã hội hóa chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hơn nữa, vẫn chưa có giải pháp tối ưu về mô hình hoạt động; bộ máy hoạt động còn cồng kềnh, thiếu nhân lực có trình độ cao. Công tác tuyên truyền quảng bá còn yếu…
Để phát huy tốt giá trị di sản, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hướng đến việc thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế; nghiên cứu cơ chế, chính sách trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích để thu hút nhiều nguồn lực xã hội. Đồng thời, chú trọng công tác quy hoạch di tích trong thời kỳ mới, làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Ông Võ Lê Nhật nhấn mạnh: “Trung tâm sẽ đổi mới mô hình tổ chức bộ máy nhằm thúc đẩy, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, hoạt động. Theo đó, sẽ tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối công việc, sáp nhập các phòng ban, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau, không còn phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản, tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng và thực hiện tốt chiến lược truyền thông, quảng bá; tăng cường liên kết với các hiệp hội, đơn vị lữ hành đưa khách đến Huế”.
Bài, ảnh: MINH HIỀN