Non nước Việt Nam

Khánh Hòa: Già làng thổi hồn vào mây tre, giữ gìn bản sắc dân tộc

Cập nhật: 21/08/2024 14:12:29
Số lần đọc: 469
Già làng huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa làm đàn chapi, gùi nia,... từ mây tre, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.


Giữ hồn cho nghề mây tre đan

Sau khoảng thời gian đục khoét ống tre với đôi tay thoăn thoắt, già làng Mấu Xuân Điệp, 71 tuổi, trú xã Sơn Trung, đang làm dây đàn, thẩm âm để hoàn thiện chiếc đàn Chapi, loại nhạc cụ gắn liền với ông Điệp từ bé như bao người Raglai khác.

Đàn Chapi làm từ một ống tre to tròn khoảng 8 - 10cm, dài hai gang tay, dây đàn được làm từ sợi tre, trên thân đục lỗ,... âm thanh từ ống đàn phát ra trầm bổng, nhịp nhàng mà “như chứa cả núi rừng”. Sau khi hoàn thiện, đàn Chapi được già làng Điệp mang bán cho du khách với giá từ 400 nghìn đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Già làng Mấu Xuân Điệp làm đàn Chapi.

Ở xã Thành Sơn, bà Cao Thị Tính, 70 tuổi, hoàn thiện công đoạn cuối để cho ra chiếc Gùi tre, dụng cụ mang vác quen thuộc của người Raglai. Ánh mắt chăm chú, tay bà Tính thoăn thoắt cài từng thanh lạt vào nhau, tạo nên họa tiết đều và đẹp mắt, đảm bảo gùi không bị vênh, thô và xấu.

Chiếc gùi của người Raglai thường làm từ tre và mây, có 2 quai để đeo lên vai, thuận tiện cho đồng bào lên rừng, đi rẫy, đi chợ,... rất chắc chắn, đựng được hàng chục ký thóc, ngô, măng rừng.

Những năm gần đây, các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào huyện Khánh Sơn rất được du khách trong và ngoài tỉnh ưa thích, giúp bà con phát triển kinh tế. Chứ không như trước kia, sản phẩm thủ công truyền thống do người dân địa phương làm ra cứ mãi quanh quẩn ở buôn làng.

Dẫu giá thành bán ra còn thấp, song những người như bà Tính, ông Điệp đều say mê với nghề, cho rằng đây là cách để đồng bào giữ gìn nét văn hóa độc đáo riêng, phát huy và quảng bá bản sắc dân tộc, nhất là trong bối cảnh huyện tập trung phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách tìm về tham quan, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Gắn nghề truyền thống với phát triển du lịch

Huyện Khánh Sơn cách TP. Nha Trang 100km về phía tây nam, khí hậu mát mẻ, là nơi sinh sống của 13 dân tộc anh em. Trong đó, chiếm đại đa số là đồng bào Raglai (khoảng 73,4%), còn lại là các dân tộc khác như Kinh, Tày, thái, Nùng, Ê đê, Thổ, Hoa, Chăm,... đưa Khánh Sơn thành nơi có nền văn hóa Raglai đậm đà bản sắc.

Đặc biệt, các nghề thủ công truyền thống như đan lát, làm nhạc cụ dân tộc, chế biến rượu cần,... vẫn còn được lưu giữ trong cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn lâu dài, các làng nghề dễ bị đứt gãy sản xuất, lao động trẻ không tâm huyết với nghề… hay thị trường du lịch nội địa nói chung và du lịch nông thôn nói riêng gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Các công đoạn được già làng tiến hành tỉ mỉ, công phu để cho ra sản phẩm đẹp nhất.

Theo ông Đinh Văn Dũng, chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, các nghề thủ công truyền thống như đan lát, thủ công mỹ nghệ, làm nhạc cụ,... là yếu tố quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách. Những năm gần đây, huyện Khánh Sơn đã nỗ lực triển khai công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, trong đó có tổ chức 2 lớp đan lát cho thanh thiếu niên trên địa bàn.

Từ nay đến năm 2030, huyện sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, cụ thể như phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Raglai; hàng năm tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ;... Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Raglai chú trọng, trong đó có nghề thủ công truyền thống. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng các loại hình văn hóa truyền thống vào trong sinh hoạt cộng đồng.

Trong tiến trình phát triển du lịch, Khánh Sơn đặt mục tiêu đến đến năm 2025 thu hút 22.000 lượt khách, xây dựng được mô hình làng du lịch cộng đồng, điểm đến sinh thái nông nghiệp, đồng thời phục dựng lễ hội truyền thống của người Raglai,... nhằm phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng, sớm trở thành “Đô thị sinh thái núi rừng” theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đức Thảo

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 21/08/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT