Sóc Trăng tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm nay, tỉnh sẽ tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I song song với hoạt động Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI, năm 2024.
Theo dự thảo kế hoạch, Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ 9-15/11/2024. Hai hoạt động kép này sẽ có chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển” với quy mô tổ chức cấp khu vực.
Trong đó, Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI sẽ có 5 hoạt động với điểm nhấn vẫn là giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer. Giải này hàng năm luôn thu hút hàng chục ghe Ngo trong khu vực tham gia tranh tài tại dòng sông Maspero. Trong thời gian diễn ra giải đua có trên dưới 100 nghìn lượt người đến xem, trong đó có cả khách du lịch trong và ngoài nước đến cổ vũ. Ngoài ra còn có các hoạt động như Lễ Cúng Trăng, Lễ hội Lôiprotip (thả đèn nước) và trình diễn ghe Cà Hâu.
Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng.
Đối với Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 dự kiến khách du lịch khi tham gia hoạt động sẽ được chiêm ngưỡng 20 dàn nhạc Ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công trình diễn, quy mô lớn nhất Việt Nam.
Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Nhạc Ngũ âm tiếng Khmer gọi là Pinn Peat được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống. Với giá trị tiêu biểu, Nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019.
Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tổ chức lần đầu tiên còn có các hoạt động đặc sắc khác như: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Sóc Trăng và đặc sản vùng miền; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc; giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng…
Trong cuộc họp chiều nay 20/8 tại UBND tỉnh bàn về kế hoạch tổ chức hoạt động, ông Trần Minh Lý, Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: “5 hoạt động của Lễ hội và 9 hoạt động của Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã được thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về chủ trương, về những nội dung cơ bản. Bên cạnh đó, thì tỉnh còn tổ chức thêm nhiều hoạt động bên lề để phục vụ ngày hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là trong hoạt động văn hóa Lễ hội. Đáp ứng được tâm tư nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Trong khuôn khổ 2 hoạt động được lồng ghép tổ chức nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động du lịch.
Thạch Hồng